Chia tài sản chung
Trong một số trường hợp, để tránh rắc rối về sau thì việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là cần thiết. Tương tự, việc phân chia tài sản chung khi ly hôn cũng cần được người trong cuộc suy xét thấu đáo, mà theo lời khuyên của các luật sư là nên giải quyết một lần trong vụ án ly hôn, không nên để phân xử sau bằng một bản án dân sự khác.
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Trước khi đến với nhau, ông T.V.Đ. (70 tuổi) và bà N.T.C. (65 tuổi), ở phường Ngô Mây, Quy Nhơn đều đã ly hôn và có con riêng. Sau khi “rổ rá cạp lại”, ông Đ. và bà C. đã góp tiền mua được một số lô đất và nhà ở. Sau hơn chục năm sống chung, giữa họ phát sinh mâu thuẫn và ai cũng muốn để lại khối tài sản mình đã tạo lập được trong thời gian này cho con của riêng mình. Họ thỏa thuận ra công chứng chia đôi số tài sản chung dẫu vẫn cùng chung sống. “Phần tài sản của tôi, tôi di chúc để lại cho các con của riêng mình. Phần ông ấy cũng thế. Tôi thấy như vậy là hợp lý hơn cả, tránh được sự tranh chấp tài sản về sau giữa con anh - con em khi một trong hai chúng tôi qua đời”.
Khác với trường hợp trên, ông B.T.T. (80 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn) kiên quyết đòi chia tài sản chung sau khi không được ly hôn. Muốn chung sống với “tình ngoài”, ông T. về đòi ly hôn vợ, nhiều lần nộp đơn lên tòa án. Nhưng xét thấy lý do xin ly hôn của ông T. không hợp lý, vợ ông T. cũng không chịu nên TAND TP Quy Nhơn bác đơn của ông. Không nản lòng, ông tiếp tục đệ đơn đề nghị chia tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, để ông có thể toàn quyền sử dụng khối tài sản của mình.
Khoản 1, Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết”. Một luật sư ở TP Quy Nhơn (đề nghị không nêu tên) nhận định: “Việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, tuy luật pháp cho phép, nhưng thực tế có rất ít người thực hiện điều này vì văn hóa Á Đông không tách bạch, sòng phẳng chuyện tiền bạc, tài sản như người phương Tây. Tuy nhiên, trong một số trường hợp điều này là cần thiết”.
Thời gian qua, tại TAND TP Quy Nhơn, một số ít cặp vợ chồng cũng đề nghị chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của một thẩm phán, cũng có trường hợp vì làm ăn thua lỗ, vì muốn tránh nghĩa vụ phải trả nợ nên người vợ hoặc chồng đề nghị chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để trả nợ. Trường hợp này, cần phải xem xét, nếu thấy không có lý do chính đáng thì tòa bác đơn của đương sự.
Chia tài sản chung sau khi ly hôn
Sáng 11.10, vợ chồng anh T.H.K. và chị C.T.Đ.P. (phường Nhơn Phú, Quy Nhơn) cùng nhau đến tòa để giải quyết chuyện ly hôn sau 20 năm chung sống. Theo anh K., nếu chị P. đồng ý ly hôn, anh sẽ để lại tài sản là ngôi nhà mà vợ chồng họ đã tạo lập trên mảnh đất vườn của cha mẹ anh cho chị P. Cán bộ tòa án giải thích, vì đất, nhà chưa có “sổ đỏ” nên anh K. phải làm mọi thủ tục cần thiết trước khi chuyển giao tài sản cho vợ (làm sổ đỏ, đồng thời các anh chị em ruột của anh K. đồng ý để phần thừa kế di sản của mình cho anh K.); việc chia tài sản cũng có thể giải quyết sau khi ly hôn. Sau khi “hội ý” với người nhà của mình, chị P. không chịu ký vào đơn ly hôn vì: “Ly hôn rồi, lỡ mai này ông ấy đòi lại nhà đất thì sao. Chi bằng cứ chờ để giải quyết xong phần tài sản luôn đã”. Chị P. “cẩn thận” không phải là không có lý.
Theo ông Phạm Trung Thuận, Trưởng phòng Kiểm sát án phúc thẩm dân sự - hôn nhân gia đình, Viện KSND tỉnh, có 3 mối quan hệ cần giải quyết khi ly hôn: quan hệ hôn nhân, quan hệ con cái và quan hệ tài sản. Nếu đương sự không yêu cầu tòa giải quyết về phần tài sản, con cái, thì tòa sẽ chỉ giải quyết quan hệ hôn nhân. Sau khi đã ly hôn, nếu không tự thỏa thuận được với nhau về tài sản, con cái, thì đương sự có thể yêu cầu tòa giải quyết bằng một vụ án dân sự khác.
Nhiều người thường nghĩ, giải quyết quan hệ hôn nhân trước rồi mọi việc khác tính sau. Tuy nhiên, trong thực tế, có lẽ người trong cuộc cũng không lường hết được những rắc rối nảy sinh sau đó khi khởi kiện chia tài sản chung. Theo ông Phạm Trung Thuận thì: “Việc giải quyết tài sản chung của vợ chồng thường phức tạp, rắc rối vì liên quan đến nhiều mối quan hệ khác. Có nhiều vụ án sơ thẩm bị hủy đi hủy lại vì đã bỏ sót người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Một thẩm phán TAND TP Quy Nhơn cho biết, ông đang thụ lý một vụ án chia tài sản chung sau khi ly hôn. Người vợ cho rằng vợ chồng họ đã bỏ tiền ra xây ngôi nhà trên đất của mẹ chồng, nhưng mẹ chồng và chồng chị thì cho rằng tiền xây nhà là của mẹ chồng bỏ ra. “Trường hợp này, tòa án phải đi xác minh, thu thập chứng cứ. Muốn bảo vệ được quyền lợi của mình, đương sự phải có nghĩa vụ đưa ra những chứng cứ chứng minh. Nếu không có thì khó giải quyết…”, ông nói.
Vì vậy, theo lời khuyên các luật sư, để tránh rắc rối về sau, nhất là phần chia tài chung vợ chồng, đương sự nên gộp các mối quan hệ để giải quyết một lần trong một vụ án ly hôn. Khi bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành thì sẽ chấm dứt mọi quan hệ giữa các bên, hạn chế mất thời gian công sức nếu phát sinh tranh chấp tài sản, nuôi con, cấp dưỡng sau ly hôn. Chẳng hạn, nếu một trong hai người thay đổi chỗ ở mà bên kia không xác định được nơi cư trú, vụ án có thể bị tạm đình chỉ. Hoặc, nếu một bên không may chết đi, sẽ phát sinh vấn đề như thừa kế, vô cùng phức tạp, nhất là khi một trong hai người đã có mối quan hệ mới.
NGUYỄN SƠN