Ngăn chặn ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài: Khó đến mấy cũng phải làm cho được!
Ðó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng với ngành chức năng, chính quyền các cấp về việc triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, không để tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài tái diễn, diễn biến phức tạp; làm cơ sở minh chứng Bình Ðịnh đã nỗ lực khắc phục khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Sau khi làm các thủ tục cần thiết, ngư dân xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) xuất bến Tam Quan, vươn khơi bám biển.
Thống kê cho biết, chỉ tính 10 tháng đầu năm 2018 đã có 22 tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ (bằng cả năm 2017) và 56 tàu cá bị cơ quan chức năng cảnh cáo vi phạm vùng biển nước ngoài.
Số tàu cá vi phạm tăng
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc khắc phục khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản (KTTS) bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đáng lo ngại là số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài không những không giảm mà còn tăng so với năm trước. Sở NN&PTNT và chính quyền các địa phương đã tước giấy phép KTTS, loại các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ ra khỏi danh sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN& PTNT) công bố danh sách tàu cá vi phạm quy định IUU; tổ chức kiểm điểm lãnh đạo xã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng trước dân. Tuy vậy, các hình thức xử lý nêu trên vẫn chưa đủ sức răn đe và cũng chưa đủ thuyết phục EC gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Ngư dân hoàn tất các thủ tục trước khi cho tàu cá xuất bến tại Cảng cá Quy Nhơn.
Cũng hết sức bức xúc trước tình trạng kể trên, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Hoài Nhơn đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp, nhưng vẫn có 12 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Nguyên nhân là số lượng tàu cá nhiều, KTTS ở những vùng biển xa rất khó quản lý. Mặt khác, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển nước ta bị suy giảm, trong khi nguồn lợi thủy sản của các nước trong khu vực còn phong phú hơn, nên vì lợi ích cá nhân, nhiều ngư dân cố ý vi phạm.
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng, một số trường hợp chủ tàu thuê thuyền trưởng địa phương khác đi KTTS đã vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt, đơn vị thực hiện xử lý không có biên bản vụ việc, không chuyển biên bản nên công tác điều tra, xử lý chủ tàu và ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Khó cũng phải làm cho được!
Để chấm dứt tình trạng nói trên, ngày 2.12.2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC. Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC. Công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu cá vi phạm quy định IUU trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT; cung cấp tài liệu và phối hợp với CA tỉnh, Sở Tư pháp đề xuất hình thức xử lý vi phạm; nâng cấp, xây mới hệ thống trạm bờ, đảm bảo đủ khả năng tiếp nhận tin nhắn của tàu cá hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, tổ chức việc chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tàu thuyền không có giấy tờ hoặc có nhưng hết hạn hoạt động KTTS.
“Các nước trong khu vực cho ngư dân KTTS chỉ trong một khung thời gian nhất định trong năm, sau đó cấm biển; họ cũng tổ chức bảo vệ, phát triển tài nguyên tốt nên thủy sản dồi dào. Trong khi đó, ở nước ta tàu cá vừa nhiều vừa khai thác quanh năm, di chuyển ngư trường rộng dẫn đến nguồn lợi thủy sản suy kiệt. Việc một số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt chủ yếu là vì lợi ích kinh tế, khó nói là vô tình bởi hầu hết các tàu cá KTTS xa bờ đều có hải đồ, phương tiện định vị ranh giới các vùng biển của Việt Nam và các nước trong khu vực; chủ tàu và thuyền trưởng đều biết rất rõ điều này”.
Ngư dân LÊ VĂN THÃI, chủ tàu cá vỏ thép BÐ 99016-TS, công suất 940 CV, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.
UBND các huyện, thành phố ven biển thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và triển khai cấp bách đảm bảo quy định IUU. Phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức cho ngư dân lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa HF VX 1700 trên tàu cá; rà soát, thống kê số lượng tàu thuyền chưa đăng ký, thiếu giấy tờ tại địa phương gửi Sở NN&PTNT để cấp lại theo quy định. Tổ chức kiểm điểm trước dân, xử phạt hành chính đối với chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân cố tình vi phạm KTTS bất hợp pháp. Gắn trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã, phường đối với việc ngư dân vi phạm và đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm của Đảng ủy, chính quyền cấp xã, phường. Bộ chỉ huy BĐBP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc yêu cầu các thuyền trưởng tàu cá KTTS xa bờ viết cam kết không đưa tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến. CA tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp đưa tàu cá đi KTTS trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác; xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm và các tổ chức cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi KTTS bất hợp pháp ở nước ngoài.
“Ngăn chặn tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên dù khó đến mấy cũng phải làm cho được”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
PHẠM TIẾN SỸ