Dân xã An Hòa mong nước sạch
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã An Hòa (An Lão) mong có nước sạch để sử dụng, nhưng Nhà máy nước sinh hoạt An Lão chưa thể “phủ sóng” đến.
Theo thống kê của Công ty CP Tổng hợp An Lão - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy nước sinh hoạt An Lão, hiện trên địa bàn huyện An Lão chỉ có hơn 660 khách hàng được sử dụng dịch vụ nước sạch phục vụ sinh hoạt. Trong đó, 55 khách hàng là các cơ quan, đơn vị, trường học; còn lại là hộ gia đình, tập trung tại thị trấn An Lão và thôn Tân Lập, Thuận An (xã An Tân).
Hệ thống bể lắng tại Nhà máy cấp nước sinh hoạt An Lão.
Nguyên nhân là Nhà máy nước sinh hoạt An Lão tại thị trấn An Lão (được đầu tư xây dựng năm 2005 và cải tạo nâng cấp năm 2015) chưa xây dựng hoàn thiện. Hệ thống đường ống dẫn nước mới về tới cầu An Lão (thôn Long Hòa, xã An Hòa), nên nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã An Hòa và các thôn còn lại của xã An Tân chưa được sử dụng nước sạch, dù nhu cầu rất cao.
Bà Phạm Thị Kiều, trú thôn Long Hòa, cho biết: “Đường ống dẫn nước kéo về tới đầu thôn thì dừng lại, nhiều bà con muốn có nước sạch sử dụng nhưng đành chịu. Dùng nước giếng không đảm bảo vệ sinh, vào mùa khô hạn lại thường xuyên thiếu nước nên rất khổ sở”. Còn ông Võ Văn Tấn, ở thôn Xuân Phong Nam, chia sẻ: “Nhà tui ở gần đồng ruộng nên nước giếng bị nhiễm phèn nặng, muốn sử dụng được phải qua hệ thống lọc nước thủ công. Và dù đã lọc nhưng chất lượng nước vẫn không đảm bảo, chủ yếu dùng rửa chén, nấu ăn, tắm giặt”.
Theo ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa: Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống đường ống nước của Nhà máy nước sinh hoạt An Lão chưa tới được xã An Hòa nên toàn xã chưa có nước sạch sử dụng. Đây là thiệt thòi cho người dân địa phương, khiến xã gặp khó khăn về thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Hùng Tuấn, Giám đốc Công ty CP tổng hợp An Lão, cho biết: “Lượng khách hàng sử dụng nước sạch ít, giá bán nước thấp nên hàng năm đơn vị phải bù lỗ hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là dịch vụ công, phục vụ cộng đồng nên công ty phải chấp nhận và cố gắng kinh doanh hiệu quả các lĩnh vực khác để cân đối thu - chi. Nếu tỉnh, huyện đầu tư kinh phí, mở rộng tuyến ống chuyển tải nước, cung cấp nước sạch cho số lượng khách hàng đông hơn thì hiệu quả kinh doanh sẽ đảm bảo”.
Liên quan việc này, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: UBND huyện đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Dự án “Nâng cấp, cải tạo hệ thống nước sinh hoạt huyện An Lão (giai đoạn 2)”. Theo đó, dự án sẽ xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, gồm: lắp đặt tuyến ống chuyển tải nước sinh hoạt từ cầu An Lão đến cuối thôn Vạn Khánh (xã An Hòa) dài hơn 6.340 m và tuyến ống phân phối nước sinh hoạt tới các khu dân cư dài khoảng 1.500 m. Địa điểm đầu tư xây dựng thuộc xã An Hòa, tổng kinh phí dự kiến khoảng 13 tỉ đồng.
Việc thực hiện dự án sẽ mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân ở các thôn còn lại của xã An Tân và người dân ở xã An Hòa; giải quyết tình trạng thiếu nước sạch, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng sống.
VĂN LỰC