Nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ
Những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh, chính quyền các địa phương ven biển, ven đầm đã thành lập nhiều mô hình đồng quản lý bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ. Qua đó đã hạn chế việc sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản, góp phần nâng cao trách nhiệm cộng đồng, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại được tái tạo, phát triển là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản nước lợ, tạo sinh kế cho dân cư ven đầm.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện nay, tỉnh ta có 20 mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ tại những xã ở quanh các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và vùng ven biển. Thông qua mô hình này, các tổ, nhóm đồng quản lý NLTS ven bờ tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng trong công tác bảo vệ NLTS. Trong đó, một số mô hình tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ tại các xã: Phước Sơn (Tuy Phước), Mỹ Châu (Phù Mỹ), Nhơn Hải (TP Quy Nhơn)… mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao trách nhiệm cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, tái tạo và phát triển NLTS ven bờ.
Tích cực tham gia bảo vệ NLTS
Ông Huỳnh Minh Cẩn, Tổ trưởng tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ xã Phước Sơn, cho biết: “Tổ chúng tôi có 20 thành viên thường trực, hoạt động thường xuyên nhằm bảo vệ NLTS trên đầm Thị Nại. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, người dân trong xã đã nâng cao ý thức pháp luật, không còn sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản, nhưng vẫn có số ít người dân ở xã Phước Thuận (Tuy Phước), Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) sử dụng nghề cấm đến địa phương để khai thác thủy sản. Chúng tôi đã ngăn chặn, phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng thu giữ nhiều phương tiện vi phạm”.
Mặc dù việc tham gia tổ đồng quản lý trên tinh thần tự nguyện là chính, không có phụ cấp, thậm chí còn bị các đối tượng sử dụng xung điện, xiết máy khai thác thủy sản đe dọa, tấn công nhưng với nhận thức tốt, nhiều người vẫn tích cực tham gia.
Bè trực canh bảo vệ rạn san hô của HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã Nhơn Hải tại đảo Hòn Khô nhỏ.
Ông Trương Văn Quý, Trưởng nhóm hạt nhân đồng quản lý bảo vệ NLTS thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, chia sẻ: “Dù nhiều lần bị chống đối, thậm chí bị tấn công nhưng các thành viên của nhóm vẫn tích cực hoạt động để bảo vệ NLTS trên đầm Trà Ổ. Đầm là nơi mưu sinh của nhiều hộ dân thôn Châu Trúc và các xã lân cận, nếu khai thác theo kiểu tận diệt sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản”.
Sau khi được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tạm giao hơn 12 ha diện tích vùng rạn san hô, mặt nước để quản lý theo phương thức quản lý cộng đồng, HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đã thả phao khoanh vùng 2 ha mặt nước tại khu vực đảo Hòn Khô nhỏ, bố trí 1 bè nổi trực canh trong mùa du lịch để hướng dẫn du khách lặn ngắm san hô, hướng dẫn các phương tiện chở khách du lịch neo đậu nhằm tránh việc thả neo gây gãy, vỡ rạn san hô. Ông Trần Thanh Thâm, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã Nhơn Hải cho hay: Chúng tôi thường xuyên phối hợp tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ của xã tuyên truyền, vận động người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái biển, và tác động đến nay là rất rõ.
Hỗ trợ nhiều hơn để phát huy tác dụng
Hoạt động của tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ ở xã Phước Sơn đem lại hiệu quả rõ rệt, được người dân địa phương đánh giá cao. Ông Nguyễn Ngọc Vân, ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, bộc bạch: “Từ ngày có tổ đồng quản lý hoạt động tuần tra, truy bắt phương tiện làm nghề cấm, người dân làm nghề lưới gõ trên đầm Thị Nại như tôi rất mừng, bởi vừa đánh bắt được nhiều tôm cá, vừa giảm nỗi lo cạn kiệt nguồn lợi”.
HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã Nhơn Hải bắt sao biển gai để bảo vệ san hô. Ảnh tư liệu
Ở Nhơn Hải, khi chính quyền xã tuyên truyền chính sách bảo vệ NLTS, nghiêm cấm, xử lý nghiêm hành vi khai thác rong mơ, khai thác san hô để tạo nơi trú ẩn cho nhiều loại động, thực vật ven biển, HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã cũng tham gia tác động để làm thay đổi nhận thức của người dân. Nhờ đó, người dân chẳng những đã không khai thác san hô trái phép mà còn tích cực bảo vệ, thả rùa về biển khi mắc lưới hay lên bờ đẻ trứng.
Nhận xét về hoạt động của Tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS, ông Phan Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ), tâm đắc: “Tổ phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ NLTS trên đầm Trà Ổ. Đồng thời, phối hợp tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm khai thác thủy sản, thu giữ nhiều phương tiện xung điện, xiết máy, giảm thiểu tình trạng khai thác trái phép NLTS trên đầm”.
Trên thực tế, để phát huy mạnh mẽ tác dụng, các mô hình bảo vệ NLTS ven bờ cần được hỗ trợ nhiều hơn. Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Từ ngày 1.1.2019, khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh củng cố 5/20 mô hình đồng quản lý đáp ứng đủ các tiêu chí để giao quyền quản lý, bảo vệ, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản trong khu vực được giao quyền theo quy định của Luật Thủy sản.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN