Hồi sinh nhiều giống san hô ở Khánh Hòa
Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện trưởng Viện Hải dương học Khánh Hòa đã phục hồi một số giống san hô với tỷ lệ sống đạt 60%, đồng thời, đề xuất 14 khu vực ven bờ, ven đảo và 2 bãi cạn cần được quản lý, phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô với mục đích phục vụ du lịch sinh thái ở vùng ven bờ biển.
Ảnh: Báo Khánh Hòa
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu và đánh giá cao đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số khu vực có thể phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô phục vụ du lịch sinh thái biển ở Khánh Hòa” do PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học làm chủ nhiệm cùng các cộng sự thực hiện.
Đề tài được triển khai trong 42 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2015 đến nay. Ngoài kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đề tài còn có sự tham gia của 2 doanh nghiệp, nhằm mở ra mô hình thí điểm về việc doanh nghiệp có thể trực tiếp phục hồi và tái tạo san hô, đáp ứng nhu cầu kinh doanh du lịch của doanh nghiệp.
Từ năm 2015, đề tài đã trồng phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực đảo Hòn Tre và khu vực nam Hòn Tằm bằng các giá thể nhân tạo, như khung sắt, bồn bê tông, mỗi nơi có diện tích 1.500 m2.
Đồng thời đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô ở các khu vực có tiềm năng sử dụng phục vụ du lịch sinh thái biển; về khả năng thích ứng của hệ sinh thái trong khu vực dưới tác động của con người và biến đổi thiên nhiên… qua đó, đề xuất các khu vực có thể phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, gợi mở về quy chế quản lý hệ sinh thái rạn san hô phục vụ du lịch sinh thái biển, với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng.
Kết quả của đề tài cho thấy đã đảm bảo phục hồi một số giống san hô với tỷ lệ sống đạt 60%; đồng thời, đề xuất 14 khu vực ven bờ, ven đảo và hai bãi cạn thuộc các vùng biển tỉnh Khánh Hòa cần được quản lý, phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, với mục đích phục vụ du lịch sinh thái ở vùng ven bờ biển.
Vùng biển tỉnh Khánh Hòa có nhiều địa điểm tồn tại rạn san hô trong tự nhiên thuộc vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh, như Rạn Trào, Khải Lương, Hòn Lao, Bích Đầm, Hòn Mun, Vũng Me, Hòn Một, Trí Nguyên, Bình Ba... Tuy nhiên, một thời gian dài diễn ra tình trạng đánh mìn để bắt cá ở rạn san hô, khai thác trái phép san hô sống làm sinh vật cảnh, đồ mỹ nghệ và san hô chết cho mục đích chế biến vôi... đã làm suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hủy diệt một số rạn san hô.
Vịnh Nha Trang, nơi đề tài triển khai thực hiện có 19 hòn đảo nằm cách đất liền từ 1-15 km, là vùng biển đa dạng về quần cư động thực vật biển, chủ yếu là rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... Quần thể rạn san hô được phân bố xung quanh hầu hết các đảo, với tổng số khoảng 350 loài san hô tạo rạn.
Theo Chinhphu.vn