Phó Thủ tướng: Không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ chính thức thứ 2,3 tại VN
Sinh viên hỏi về quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề Chính phủ nên công nhận tiếng Anh phải là ngôn ngữ thứ 2. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời: "Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ chính thức thứ 2, thứ 3".
Sinh viên đối thoại cùng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Trong buổi đối thoại với sinh viên diễn ra ngày 11.12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi nhiều vấn đề mà sinh viên quan tâm như chế độ chính sách hỗ trợ học phí, học bổng, vấn đề ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học...
Một sinh viên ĐH Hàng hải hỏi: Có quan điểm cho rằng để sinh viên có thể hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa, Chính phủ nên công nhận Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ 2 tại Việt Nam, quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào về vấn đề này?
Phó Thủ tướng dẫn chứng Hiến pháp sửa đổi thông qua năm 2013, trong đó ở Điều 5 có quy định ngôn ngữ chính của nước Việt Nam là Tiếng Việt và các dân tộc có quyền dùng ngôn ngữ và chữ viết của mình.
Phó Thủ tướng nói rằng khi nói đến ngôn ngữ chính thức là thứ nhất hay thứ hai phải được quy định trong pháp luật của một đất nước. Ở Việt Nam chúng ta không có thứ tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khuyên rằng tùy vào điều kiện từng gia đình, niềm đam mê các bạn trẻ nên chọn học ngoại ngữ phù hợp, biết thêm nhiều ngoại ngữ rất tốt, đặc biệt giỏi tiếng Anh rất tốt cho công việc và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Thủ tướng nói: “Có ý kiến cho rằng tới đây nhờ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo thì vấn đề rào cản ngôn ngữ sẽ được máy móc giúp vượt qua thì cũng có phần đúng nhưng nếu mình biết ngoại ngữ thì vẫn tốt hơn”.
Sau phần hỏi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể đến các đại biểu. Phó Thủ tướng hỏi liên quan đến việc chọn trường, ngành nghề; nghiên cứu khoa học... Phó Thủ tướng hỏi: Bây giờ có bao nhiêu bạn chọn trường, chọn khoa do bản thân mình thích? Có bao nhiêu bạn chọn trường, chọn khoa đáp ứng yêu cầu của người thân đi trước có ảnh hưởng đến mình? Có bao nhiêu bạn chọn ngành trường, chọn khoa vì điểm thi của mình? Bao nhiêu phần trăm chọn trường đó thi để xin việc dễ hơn?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục hỏi các đại biểu liên quan đến việc đi làm thêm. Bao nhiêu các bạn trong quá trình đi học, thời gian làm thêm nhiều hơn thời gian ôn bài? Bao nhiêu trong số các bạn khi đi làm thêm công việc nặng nhọc và có liên quan tới kiến thức học ở trường?
Qua việc các đại biểu giơ tay trả lời, Phó Thủ tướng đề nghị Hội Sinh viên Việt Nam cần tập trung định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường cho các bạn sinh viên.
"Sinh viên đi làm thêm là bình thường, tôi cũng từng đi rửa bát. Tuy nhiên việc đi làm thêm cần cố gắng cân bằng và kết hợp với kiến thức học", Phó Thủ tướng nói.
Theo Mai Châm (Dân Trí)