Công nghệ mã số - mã vạch: Nhiều lợi ích nhưng ít đơn vị áp dụng
Cùng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán trên kệ. Mã số - mã vạch chính là công cụ đắc lực để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa một cách nhanh chóng, dễ dàng...
Theo ông Phan Ngọc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở KH&CN), mã số - mã vạch (MSMV) là một trong những công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động phổ biến, giúp nhận diện hàng hóa dễ dàng và chính xác. Hiện có khoảng 30 DN, cơ sở sản xuất ở tỉnh ta được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN) cấp; hơn 30 DN, cơ sở sản xuất khác được hướng dẫn đăng ký hồ sơ. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều cơ sở quan tâm đến MSMV.
Cơ sở chả ram tôm đất Hồng Hạnh ứng dụng MSMV, đưa sản phẩm vào các siêu thị và đi xa hơn.
Minh bạch thông tin
Sau vài năm sản phẩm chả ram tôm đất chinh phục thị trường nhiều tỉnh, thành cả nước, năm 2018, Cơ sở chả ram tôm đất Hồng Hạnh (đường Phùng Khắc Khoan, TP Quy Nhơn) đã đăng ký và được Tổng cục TCĐLCL cấp MSMV. Cùng với bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, 5 dòng sản phẩm của cơ sở đã hiện diện trên các kệ hàng nhiều siêu thị ở Hà Nội.
Bà Ngô Thị Hồng Hạnh, chủ cơ sở, cho biết: “Áp dụng MSMV truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang lại nhiều lợi ích. Không chỉ nâng cao tính cạnh tranh, việc cho phép truy xuất đầy đủ thông tin sản phẩm cũng là cách để chúng tôi khẳng định sự minh bạch và uy tín với khách hàng; đồng thời là cơ sở để chống hàng giả, hàng nhái”.
Từ góc nhìn của nhà phân phối hàng hóa, ông Thái Lương Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op tại Bình Định cho biết, tất cả các sản phẩm có trên quầy kệ của siêu thị đều có MSMV để quản lý. Một số mặt hàng còn có mã QR (Quick Response code, hay còn gọi là mã ma trận, mã vạch hai chiều). Với MSMV, người ta có thể tìm hiểu thông tin về quốc gia sản xuất, DN sản xuất món hàng, mã kiểm tra sản phẩm, tính hợp lệ của nó. Với mã QR người tiêu dùng có thể dùng ứng dụng đọc mã QR trên điện thoại thông minh để truy xuất và nắm được lượng thông tin nhanh, nhiều hơn. Ở siêu thị chúng tôi, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống - chế biến nấu chín, đặc sản địa phương do nhà sản xuất chưa có mã vạch thì được siêu thị đánh mã (theo hệ thống MVMS được cơ quan quản lý cấp).
Chiều 11.12, chọn mua sản phẩm, hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, chị Nguyễn Thanh Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) cho biết, chỉ nhìn vào tem dán của nhà sản xuất là chưa đủ. Tôi luôn ưu tiên mua các sản phẩm có đủ các mã để có thể truy xuất nguồn gốc để bảo đảm sức khỏe gia đình.
Cần thúc đẩy sử dụng
MSMV giúp việc quản lý xuất nhập, quản lý giá, dự trữ, kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng, phát hiện hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… rất dễ dàng. Khi sử dụng người ta dễ dàng tăng năng suất nhờ tính tiền nhanh chóng, xuất hóa đơn phục vụ khách hàng nhanh chóng; tiết kiệm chi phí nhờ sử dụng ít nhân lực, tốn ít thời gian trong khâu kiểm kê, báo giá, tính toán; nâng cao mức chính xác nhờ phân biệt chính xác các loại hàng hóa, sản phẩm mà bằng mắt thường ta thấy chúng rất giống nhau, dễ nhầm lẫn khi tính giá, phục vụ khách hàng tốt hơn. Đây là xu hướng tất yếu khi công nghệ số ngày càng can thiệp mạnh mẽ hơn đến cuộc sống con người. Tuy nhiên, đến nay số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký sử dụng MSMV chưa nhiều.
Ở tỉnh ta, trong khi MSMV còn chưa bắt kịp xu hướng thì mã QR đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng phổ biến. Ông Thái Lương Hùng nhận định: không riêng gì Bình Định mà trên phạm vi quốc gia, quốc tế, mã QR với độ bảo mật cao có thể dùng để xác định nguồn gốc sản phẩm, thanh toán trực tuyến đang được nhiều người quan tâm. Tại Co.op Quy Nhơn, mã QR hiện chỉ mới có ở một số sản phẩm, hàng hóa như: trái cây, thịt, trứng gia cầm… Trong tương lai, việc triển khai rộng rãi mã này sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tốt hơn, an toàn hơn”.
Được biết để đảm bảo tính thống nhất, từ cuối tháng 5.2018, Tổng cục TCĐLCL đã công bố phần mềm quét mã vạch Scan and Check có thể sử dụng trên điện thoại thông minh, cho phép kiểm tra tính hợp pháp, xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là phần mềm chính thống của Việt Nam lần đầu tiên được công bố. “Với vai trò đầu mối của cơ quan quản lý tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, thời gian đến, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích trong sử dụng MSMV liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa tại cơ sở sản xuất, DN”, ông Anh nhấn mạnh.
Mã số - mã vạch gồm 2 phần: Mã số GS1 và Mã vạch GS1 (BarCode)
* Mã số GS1 là một dãy chữ số nguyên, trong đó có các nhóm số để chứng minh về xuất xứ hàng hóa như: đây là sản phẩm gì? do công ty, tổ chức nào sản xuất? công ty đó thuộc quốc gia nào? Do cách đánh số như vậy, mỗi loại hàng hóa sẽ nhận dãy số duy nhất để nhận dạng trên toàn thế giới. Chuẩn mã vạch áp dụng tại Việt Nam theo chuẩn của Tổ chức mã số vật phẩm quốc tế - EAN International với 13 con số, chia làm 4 nhóm.
* Mã vạch GS1 (BarCode) là một dãy các vạch và khoảng trống song song xen kẽ được thiết kế theo một nguyên tắc mã hóa nhất định để thể hiện mã số hoặc cả chữ lẫn số. Khi sử dụng các thiết bị đọc, người ta sẽ truy xuất được các thông tin liên quan đến hàng hóa.
MAI HOÀNG