Thi hành án hành chính: Cần cơ chế thúc đẩy
Tỉ lệ thi hành án hành chính đạt thấp đang đặt ra nhiều yêu cầu đối với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương để có cơ chế đảm bảo tính công bằng trong thực thi pháp luật.
Chậm giải quyết án hành chính gây áp lực cho các cơ quan tư pháp.
- Trong ảnh: Tiếp công dân tại TAND huyện Hoài Nhơn.
Việc khó ngày càng tồn đọng
Kết quả giám sát về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử, thi hành án hành chính (THAHC) và thi hành án dân sự (THADS) thực hiện giữa năm 2018 cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2017, TAND 2 cấp đã thụ lý 205 vụ án hành chính (cấp tỉnh 146 vụ, cấp huyện 59 vụ); giải quyết 175 vụ án (tỉnh 127 vụ, huyện 48 vụ). Qua thụ lý, giải quyết cho thấy các vụ khiếu kiện hành chính chủ yếu tập trung ở lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về đất đai, chỉ có 1 vụ liên quan đến lĩnh vực thuế.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, năm 2017, số bản án hành chính tiếp nhận là 361, thực hiện được 276, đạt trên 76%, còn 85 án chuyển sang năm 2018. Ðến năm 2018, số án hành chính tăng đột biến với lý do ảnh hưởng phát triển KT-XH, có những tỉnh con số lên rất lớn, như TP Hồ Chí Minh là 59, Long An 30, Kiên Giang 21... Cộng tất cả số mới này cùng 85 án tồn đọng của năm 2017, số án hành chính của năm 2018 lên đến 363 án, mới thực hiện được 139 án, chỉ đạt khoảng 38%, thấp hơn hẳn so với năm 2017.
Theo Trưởng ban Pháp chế (HĐND tỉnh) Phạm Hồng Sơn, còn một số tồn tại, vướng mắc khi triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính. Trong đó có việc ủy quyền đại diện theo pháp luật của người bị kiện là UBND các cấp (thường các cấp phó được ủy quyền xin xét xử vắng mặt), đã gây khó khăn cho công tác giải quyết các vụ án hành chính, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho các đương sự. Một số nội dung quy định về THAHC phân bố ở các văn bản khác nhau, như: Luật Tố tụng hành chính, Luật THADS... nên khó khăn trong thực hiện.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề tồn đọng của công tác THAHC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, việc THAHC đã có chuyển biến nhưng thực tế vẫn có chuyện việc dễ làm trước, việc khó ngày càng tồn đọng nên vẫn phải sát sao, đốc thúc hơn nữa.
Thực tế có sự khác nhau về vị thế của các cơ quan nhà nước và công dân. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, THAHC khác với THADS. Cơ chế THAHC là tự thi hành; còn THADS có cưỡng chế và rất nhiều điều kiện đảm bảo kèm theo. THAHC hiện được điều chỉnh bởi Nghị định 71/2016/NĐ-CP (quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án), trách nhiệm của ngành Tư pháp và của hệ thống THADS ở mức độ chỉ là đôn đốc, theo dõi, ghi chép. “Như vậy, thẩm quyền của Bộ và hệ thống THADS cũng còn rất “khẽ khàng”!”, người đứng đầu ngành Tư pháp bộc bạch.
Không thể kêu gọi trách nhiệm chung chung
Cũng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, tham gia thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh dẫn lại báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay tỉ lệ THAHC đạt thấp - chỉ 38%, vẫn còn 151 bản án phải thi hành mà người thi hành là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tình trạng này làm ảnh hưởng tới việc giải quyết các vụ việc khiếu nại theo thủ tục tư pháp và chuyển “gánh nặng” cho các cơ quan tư pháp. “Cần có biện pháp để nâng cao tỉ lệ THA và có chế tài đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thi hành các bản án hành chính”, bà Hạnh nói.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Nghị định 71/2016/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm hành chính của những người đứng đầu khi không thực hiện các bản án, quyết định hành chính. Song, cho đến giờ, chưa có một cơ chế pháp lý nào để xử lý, ngoài “trách nhiệm chính trị” là có thi hành hay không, thực hiện tốt hay không trách nhiệm về mặt quản lý.
“Đúng là nếu không có các luồng áp lực dồn vào thì cũng còn rất khó đối với việc THAHC. Để nâng cao hiệu quả công tác THAHC, tới đây ngành Tư pháp sẽ tiếp tục có sự theo dõi và ban hành những biểu mẫu thống nhất trong hệ thống, tạo chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo địa phương đối với công tác này”, ông Long khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác THADS, THAHC năm 2019 được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với cơ quan THA, nhất là trên lĩnh vực THAHC. “Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm chỉ đạo và tham gia giải quyết án hành chính, đó là trách nhiệm của chúng ta. Dân thì bắt buộc phải thi hành, còn cơ quan hành chính thì không làm, sao ngược vậy được”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG