Bài học đắt giá khi đòi nợ trái pháp luật
Cho rằng Phan Duy Thuận (SN 1997) vay tiền nhưng có ý chây ì không trả nợ theo thỏa thuận nên Nguyễn Đăng Hoàng (SN 1993, cùng ở TP Quy Nhơn) tìm cách buộc Thuận phải trả nợ cho mình. Hành vi của Hoàng đã vi phạm pháp luật hình sự. Từ một người bị hại, Hoàng cùng 2 người khác là Trịnh Đại Thành (SN 1993), Nguyễn Nhất Sinh (SN 1998) trở thành bị cáo của vụ án bắt giữ người trái pháp luật (điều 157 của Bộ luật Hình sự) vừa được TAND TP Quy Nhơn đưa ra xét xử.
Ðể việc cho vay và đòi tiền cho vay đúng pháp luật, ngoài việc người vay phải có tài sản thế chấp thì cần có giấy vay tiền và người làm chứng, để có đầy đủ căn cứ pháp lý nếu phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến khởi kiện. Người cho vay không nên đòi nợ bằng những hành vi trái pháp luật.
Trước đó, ngày 16.8.2017, Thuận vay của Hoàng số tiền 33 triệu đồng (có lập hợp đồng vay) và hẹn đến ngày 16.1.2018 trả lại, nhưng sau đó Thuận né tránh không trả nợ.
Khoảng 0 giờ 30 phút ngày 24.4.2018, Sinh đi hát karaoke ở Trung tâm thương mại An Phú Thịnh (TP Quy Nhơn) và thấy Thuận nên gọi điện cho Hoàng. Nghe tin, Hoàng rủ Thành cùng đến gặp thuận để đòi nợ. Sau đó, nhóm của Hoàng dùng xe máy đưa Thuận về phòng trọ của Sinh ở đường Tô Hiến Thành. Tại đây, Hoàng lấy bút buộc Thuận viết giấy mượn số tiền 40 triệu đồng và Thuận đã viết theo yêu cầu của Hoàng. Sau khi ép buộc Thuận viết xong giấy mượn tiền, Hoàng và Thành đi ngủ, còn Sinh thức canh chừng Thuận, không cho bỏ trốn. Đến khoảng 7 giờ cùng ngày, Thuận bảo Sinh chở về nhà để xin tiền trả nợ nên Sinh gọi Thành dậy để chở Thuận đi. Khi về nhà, không xin được tiền mẹ để trả nợ, nên Thuận trốn luôn trong nhà. Thấy lâu, Thành và Sinh có đi vào trong tìm thì xảy ra đánh nhau với Thuận, rồi Thành, Sinh bỏ đi.
Tại tòa, cả 3 bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vì bực tức trước thái độ trốn nợ của Thuận nên mới hành xử như vậy. Hoàng nói: “Mục đích chỉ muốn bị hại viết giấy nợ và đòi lại số tiền đã cho vay, chứ không có ý gì khác”. Lý giải việc tại sao ép Thuận viết giấy mượn nợ 40 triệu, trong khi trước đó chỉ cho vay 33 triệu đồng của hội đồng xét xử, bị cáo Hoàng cho rằng, đó là tiền lãi trong thời gian Thuận vay tiền không trả.
Theo luật quy định, nếu người vay nợ không trả nợ đúng hạn, người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để buộc người vay trả lại tiền. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp, khi người vay không giữ đúng cam kết, xảy ra tranh chấp, thì người cho vay áp dụng cách đòi nợ vi phạm pháp luật. Vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, việc bắt giữ người trái pháp luật hòng gây sức ép trả nợ, hoặc xiết nợ là những hành vi vi phạm pháp luật. Điều này có thể bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.
Với hành vi sai trái, Hội đồng xét xử đã tuyên lần lượt các mức án: Hoàng 9 tháng tù giam, Thành 8 tháng tù giam, Sinh 6 tháng tù giam.
K.ANH