“Cho em chíc một cái!”
Đâu quãng năm 1997 - 1998, khi ấy ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển nhanh ở tỉnh ta. Lượng khách tăng lên ngoài sức hình dung không chỉ của Bảo Việt Nhân thọ Bình Định mà còn với cả Tổng công ty Bảo Việt. Tốc độ phát triển quá nhanh khiến toàn hệ thống Bảo Việt Nhân thọ nói chung, Bảo Việt Nhân thọ Bình Định đối diện với nhiều thách thức lớn trong đó có một điều giờ ngồi kể với nhau, lại thấy khá khôi hài…
Có lần thấy anh Nguyễn Đình Vinh, khi ấy là Giám đốc Bảo Việt Nhân thọ Bình Định phờ phạc quá, tôi hỏi thăm… Té ra là vầy, hồi đó phần đông khách hàng nộp phí theo tháng, tạm cho rằng cứ mỗi khách hàng như vậy sẽ chỉ nhận một thông báo nộp phí, một hóa đơn, thì riêng cái việc điền theo mẫu thôi cũng đủ làm trồi lên một lượng giấy tờ khổng lồ, chưa kể đến chuyện mỏi tay viết sai chỉ mỗi một con số thôi thì cũng phải viết lại từ đầu. Lính tráng khổ sở, sếp buộc phải tính đường tháo gỡ, không phờ phạc thì họa có là siêu nhân.
Một trưa nọ, đột nhiên anh dựng tôi dậy: Ba Vinh đây (những khi vui vẻ anh hay xưng hô như thế), mày sang bên anh ngay, có cái này hay lắm!
Tôi chạy sang, vừa dừng xe thì anh vội bảo, cứ để đây, bảo vệ nó giữ cho, vào đây… vào đây… vào đây xem cái này. Cái gì vậy anh? Tôi hỏi. Ôi, hay lắm. Cái này là cái… hề hề… nhỏ thôi, ngắn thôi nhưng khiến chị em công ty sướng tê luôn! Hử, ghê vậy há? Thật! Anh cười hớn hở đáp.
Ở phòng kế toán, anh chị em trong công ty đang xúm xít tranh nhau “cho em chíc một cái”, “tới lượt em chíc chớ anh”… Anh Vinh vươn tay cầm lấy một dụng cụ nom như cái tông đơ hớt tóc xài pin, vung vẩy trước mặt tôi: Từ nay vĩnh biệt cái cảnh còng lưng ra ghi ghi viết viết hóa đơn nhé, chấm dứt luôn cái cảnh mắt dò tên khách hàng, tay run run viết tên sao cho khớp nhé. Chỉ chíc một cái là xong…
Sau này khi rõ ràng hơn tôi biết đó là thiết bị đọc mã vạch, gọi là “máy chíc” vì khi bấm công tắc đọc, thiết bị phát ra âm thanh “click”. Theo sáng kiến từ Tổng Công ty, đại thể mỗi khách hàng sẽ được gán một mã số - mã vạch (hay quen gọi là mã vạch) không trùng lặp bất cứ ai, toàn bộ thông tin liên quan đến khách hàng được lưu vào cơ sở dữ liệu tương ứng với mã vạch ấy. Khi cần truy xuất để làm việc gì đó, chỉ cần kết nối thiết bị đọc với máy tính là sẽ được cung cấp đủ phù hợp với nhu cầu công việc. Đại loại công việc sẽ nhanh hơn gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần mà không sợ sai sót.
Trong quá trình phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ không chỉ có cơn ác mộng “ghi ghi chép chép”, nhưng đây thật sự là một ví dụ điển hình cho thấy nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì lợi ích lớn đến đâu.
Hôm nay nghe tin cả tỉnh ta mới chỉ có khoảng 30 DN, cơ sở sản xuất được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cấp mã vạch; hơn 30 DN, cơ sở sản xuất khác còn đang được hướng dẫn đăng ký hồ sơ, tôi lại thấy… hơi bị làm sao sao! Đành rằng chuyện sử dụng tiện ích này hay không là quyền của mỗi đơn vị, nhưng cả tỉnh có đến hàng ngàn DN, cơ sở sản xuất mà trong hoạt động buộc phải dán nhãn lên hàng hóa, kiểm kê, xuất nhập, xuất hóa đơn… Đã hai mươi năm rồi tất cả những công đoạn này nếu có cái “máy chíc” kia, hẳn sẽ chính xác và đỡ biết bao nhiêu là công sức, có đúng thế không anh Ba Vinh!
BÁ PHÙNG