Cổ vũ, cổ động & cổ động viên
Chúng ta đang ở trong những ngày tuyệt vời của bóng đá Việt Nam khi đội tuyển quốc gia giành tấm vé vào chung kết giải AFF Suzuki Cup 2018 với chuỗi 6 trận bất bại liên tiếp. Làm nên không khí tuyệt vời này, có một phần không nhỏ của sự cổ vũ nồng nhiệt đến từ phía các cổ động viên.
Trong thể thao, “cổ vũ”, “cổ động” và “cổ động viên” là những khái niệm rất quen thuộc. Trong chuyên mục “Chữ & Nghĩa” hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguồn gốc của những từ này.
1. Cổ vũ. Đây là một từ Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, chữ “cổ” thuộc bộ “bì” (liên quan đến da), có nghĩa là “cái trống”. Chữ “vũ” thuộc bộ “suyễn”, nghĩa là “múa, điệu múa” (như trong vũ công, vũ điệu). Trong từ “cổ vũ”, yêu tố “cổ” đã chuyển loại từ danh từ sang động từ, được dùng với nghĩa “đánh trống”. Như vậy, “cổ vũ” có nghĩa là “đánh trống và múa”. Ban đầu, đây là hai nghi thức trong lễ tế thần của người cổ đại. Về sau, “cổ vũ” dùng với nghĩa là những hoạt động để khuyến khích, khích lệ người khác. Từ điển tiếng Việt giảng: “Cổ vũ” là “tác động mạnh mẽ đến tinh thần (thường là của số đông), làm cho hăng hái, phấn chấn mà hoạt động tích cực hơn lên” (Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 1997, tr.197). Trong thực tế, như đã thấy, cho đến nay, đánh trống và nhảy múa vẫn là hai hoạt động/ hình thức cổ vũ phổ biến trong thi đấu thể thao.
2. Cổ động. Đây cũng là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, chữ “động” thuộc bộ “lực” (liên quan đến sức lực), có nghĩa là trạng thái ngược với “tĩnh”, như trong các từ “chuyển động”, “cử động”, “hoạt động”. “Cổ động” là dạng tổ hợp thu gọn của “cổ vũ” và “tác động”. Từ điển tiếng Việt giải thích là “dùng lời nói, sách báo, tranh ảnh v.v.. tác động đến tư tưởng, tình cảm số đông nhằm lôi cuốn tham gia tích cực những hoạt động xã hội - chính trị nhất định” (sđd, tr.196-197).
3. Cổ động viên. Đây cũng là tổ hợp có nguồn gốc Hán và tổ chức theo quy tắc ngữ pháp tiếng Hán (yêu tố chính đứng sau). Trong đó, chữ “viên” thuộc bộ “khẩu” (liên quan đến con người), có nghĩa là “người làm nghề nghiệp hoặc công việc nào đó” (như giáo viên, công tố viên). Như vậy, “cổ động viên” là “người cổ động”, tức “người động viên, tuyên truyền tích cực ủng hộ một ứng viên nào đó trong cuộc tuyển cử hay một đội thể thao nào đó trong cuộc thi đấu” (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.197).
ThS. PHẠM TUẤN VŨ