Bảo tàng Tổng hợp Bình Ðịnh: Chủ động tìm đến học sinh
Bảo tàng là nơi lưu giữ những tinh hoa, những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của dân tộc và của địa phương, là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Ðể phát huy lợi thế này, thu hút thêm nhiều người đến tham quan, Bảo tàng tổng hợp Bình Ðịnh đã khai phá thêm lối đi mới.
Theo nhiều chuyên gia, việc bảo tàng vắng khách trước tiên là do bảo tàng còn dè dặt, thụ động trong tiếp cận công chúng. Nguyên nhân trước hết là do trình độ của cán bộ làm công tác bảo tàng còn hạn chế, ít có sự sáng tạo, dẫn đến cách trưng bày kém hấp dẫn, khô khan.
Nhận thức được thực trạng đó, từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã nỗ lực đa dạng hóa các hình thức học tập, nghiên cứu, tạo nhiều kênh phối hợp để thu hút một đối tượng quan trọng - học sinh. Bảo tàng đã chủ động phối hợp Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động lôi cuốn các em như: cuộc thi Ai nhớ nhiều nhất, chương trình Tiết học lịch sử tại Bảo tàng, cuộc thi Họa sĩ nhí với Bảo tàng Bình Định và đặc biệt là cuộc thi Theo dòng lịch sử.
* “Ở tiết học lịch sử tại Bảo tàng, chúng tôi hướng dẫn các em tìm hiểu cả lịch sử Việt Nam và lịch sử Bình Định. Kiến thức rộng, bao quát nhưng với những gợi ý giàu chất sáng tạo sẽ lôi cuốn các em đến với cuộc thi như đi tìm những niềm vui”.
Ông BÙI TĨNH, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp Bình Định
* “Qua 2 năm học phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, điểm có thể khẳng định là chúng tôi đã tạo ra một sân chơi vừa chơi vừa học, qua đó giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn tìm thấy sự thú vị, hấp dẫn của việc học”.
Ông NGUYỄN PHƯƠNG NAM, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn
Lấy ví dụ là cuộc thi Ai nhớ nhiều nhất với chủ đề Hành trình theo chân Bác, dựa trên format chương trình Rung chuông vàng của VTV3, Ban tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi bám sát chương trình học và những hình ảnh, hiện vật đang trưng bày tại phòng “Bác Hồ với nhân dân Bình Định và nhân dân Bình Định với Bác Hồ” tại Bảo tàng. để có thể trả lời tốt những câu hỏi, các em học sinh vừa phải nắm vững kiến thức giáo khoa vừa đối chiếu thực tế tại Bảo tàng. Quá trình này dẫn học sinh vào những lối đi hấp dẫn của kiến thức, khiến các em tìm thấy niềm vui khi học tập tại Bảo tàng.
Khi tìm cách tiếp cận với công chúng, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định không làm theo kiểu “chọn dễ bỏ khó”. Cuộc thi Họa sĩ nhí với Bảo tàng Bình Định là một minh chứng. Cuộc thi này được thiết kế đặc biệt dành riêng cho học sinh tiểu học - đối tượng cần có sự quan tâm hướng dẫn đặc biệt. nhờ kết hợp nhiều đơn vị, với tinh thần phục vụ trẻ em, cuộc thi đã thành công không ngờ. Không chỉ ở chỗ đã thu hút rất nhiều thí sinh, cổ động viên, cuộc thi còn góp phần gắn kết năng khiếu, đam mê về hội họa các em học sinh với việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống quê hương Bình Định, giúp các em nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp.
Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch phối hợp (từ tháng 9.2016 đến tháng 11.2018), có thể khẳng định, cả Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và Phòng GD&ĐT Quy Nhơn đều hài lòng với những điều đã gặt hái được. Và điểm còn quan trọng hơn là “bảo tàng” đã có một vị trí tốt hơn so với trước trong trí nhớ của các em. Đây chính là nền tảng quan trọng để Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn tiếp tục xây dựng các chương trình ngoại khóa mới, hấp dẫn, hiệu quả và bổ ích hơn.
NGUYỄN NHÂN