Lưu ý những vấn đề xã hội mới phát sinh
Ngày 13.12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Theo số liệu của Bộ LĐTB-XH, đến hết năm 2018, có 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với năm 2017), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với năm 2017). Cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2,8 triệu người. Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng hơn quyền được hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho người dân…
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất khó khăn. Một số mục tiêu của Nghị quyết 15 khó có khả năng đạt được vào năm 2020, như tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế… Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành lưu ý tới những vấn đề xã hội mới nảy sinh. Trong đó, có vấn đề hiện nay, chỉ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp xã hội) của Việt Nam đã tăng, điều này có nghĩa chênh lệch giàu - nghèo giữa các nơi ngày càng xa. Đặc biệt, đã xuất hiện đối tượng yếu thế mới trong xã hội, đó là tình trạng nhiều người lớn và trẻ em có biểu hiện rối loạn cảm xúc, trầm cảm, tự kỷ ngày càng gia tăng... nếu không quan tâm, có chính sách hỗ trợ sẽ gây nên hậu quả lớn.
Theo PHAN THẢO (SGGP)