Mua sắm tập trung: Sớm khắc phục những bất cập
Công tác mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung của tỉnh triển khai từ năm 2016. Mặc dù đã giảm đầu mối mua sắm, tiết kiệm chi phí, nhân lực, song việc mua sắm còn chậm về tiến độ; công tác bảo trì, bảo dưỡng tài sản gặp nhiều khó khăn…
Cần khắc phục trở ngại về tiến độ để công tác mua sắm tập trung hiệu quả hơn.
- Trong ảnh: Máy CT Scanner 16 lát cắt trang bị tại BVĐK khu vực Bồng Sơn được trang bị theo phương thức mua sắm tập trung.
Danh mục tài sản mua sắm tập trung được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2206/QĐ-UBND ngày 28.6.2016 với 4 đầu mối thực hiện, gồm: Sở Tài chính (9 nhóm tài sản); Sở Y tế (9 nhóm trang thiết bị y tế); BVĐK tỉnh (11 nhóm vật tư y tế); Sở GD&ĐT (3 nhóm thiết bị trường học).
Theo Sở Tài chính, hơn 2 năm triển khai mua sắm tập trung, 4 đầu mối đã thực hiện 89 gói thầu, tổng giá trị gần 345 tỉ đồng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 41,6 tỉ đồng (10,7%). Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi khẳng định: “Mua sắm tập trung là phương thức mua sắm có nhiều ưu điểm trong việc tiết kiệm chi tiêu công, kiểm soát tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí”.
Dẫn chứng về lợi ích khi mua máy CT Scanner 16 lát cắt trang bị tại khoa Chẩn đoán hình ảnh qua mua sắm tập trung, BS Trần Quốc Việt, Phụ trách BVĐK Khu vực Bồng Sơn, phân tích: Từng đơn vị tổ chức đấu thầu mua sắm rất nhỏ lẻ, tốn nhiều thời gian, lộn xộn về giá trên cùng một mặt hàng. Một số cơ sở chỉ dùng một số lượng ít mặt hàng, tổ chức đấu thầu dễ xảy ra tình trạng nhà thầu “chê”, dẫn đến không mua được hàng hóa. Với mua sắm tập trung, những hạn chế trên được khắc phục.
Dù vậy, mua sắm tập trung cũng bộc lộ nhiều vướng mắc. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công nêu bất cập: Ngoài tiến độ triển khai mua sắm, trang bị tài sản, trang thiết bị tập trung chậm thì việc bảo hành, bảo trì các sản phẩm cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị khối huyện, xã, thị trấn.
Với ngành Y tế, BS Việt nêu ra vướng mắc ở ngành y, cùng một nhu cầu thiết bị nhưng mỗi đơn vị có thể sẽ sử dụng theo một cấu hình phù hợp trình độ và chức năng hoạt động. Do đó, đơn vị đầu mối mua sắm phải tính toán đến nhu cầu từng đơn vị, để cập nhật và điều chỉnh thông tin kịp thời.
Phản hồi thông tin này, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Cùng với nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn trong thực hiện các bước đấu thầu, sắp tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể hơn cho các đơn vị lập kế hoạch mua sắm; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu”. Tương tự, ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh nhấn mạnh: “Với những gói thầu chung, chúng tôi đẩy tiến độ triển khai kế hoạch mua sắm sớm từ đầu quý III của năm trước. Riêng gói thầu khí y tế sẽ ưu tiên làm riêng để đảm bảo cung cấp cho các cơ sở y tế ngay từ ngày 1.1 hàng năm, tránh ảnh hưởng việc điều trị bệnh”.
Trong khi đó việc mua sắm tập trung ở Sở GD&ĐT tương đối suôn sẻ hơn. Ông Trương Văn Khải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT) cho hay, để khắc phục chậm tiến độ, công tác mua sắm tổ chức nhiều đợt thay vì 2 đợt; việc xác định giá sản phẩm cũng được đơn vị chuyên nghiệp độc lập thực hiện, tránh chênh giá cùng một mặt hàng giữa các đơn vị.
“Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151/2017/NĐ-CP, tiếp tục quy định cụ thể về việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung. Việc mua sắm tập trung dù quy định 2 đợt tháng 4, 7, nhưng vẫn được “linh hoạt” chia thành 5 - 6 đợt theo nhu cầu. Để công tác mua sắm tập trung hiệu quả hơn, kịp thời và đúng quy định Nhà nước, cũng đòi hỏi sự đồng bộ, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao nhiệm vụ mua sắm”, ông Nghi lưu ý.
MAI HOÀNG