Chợ truyền thống “chuyển mình” để tăng sức cạnh tranh: Ghi nhận từ chợ Ðầm
Dễ mua tiện bán, nguồn hàng phong phú, giá cả có thể thay đổi linh hoạt… là thuận lợi của chợ truyền thống. Song, để tồn tại và phát triển, cạnh tranh với các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống buộc phải thay đổi về cả chất lẫn lượng.
Chợ truyền thống hiện nay ở địa bàn TP Quy Nhơn bắt đầu có nhiều chuyển dịch, sắp xếp trong ngành hàng, nhóm hàng, cách thức kinh doanh. Thay đổi diễn ra rõ rệt nhất là ở chợ Đầm với điển hình là ngành hàng thực phẩm tươi sống.
Gian hàng VSATTP của các tiểu thương kinh doanh thịt, hải sản tại chợ Đầm.
Giá cả rõ ràng, minh bạch thông tin
Tại chợ Đầm, hiện 98 kiốt thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt, hải sản, rau xanh…, đã triển khai áp dụng mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) với các điều kiện được quy định nghiêm ngặt như: sản phẩm rõ nguồn gốc, nơi bày bán đảm bảo VSATTP, người bán đảm bảo điều kiện về sức khỏe…
Chị Lê Thị Thu Thủy, một tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Đầm, cho hay, quầy thịt được thiết kế lại trong gian hàng thịt tươi sống, bàn thịt sạch sẽ, thịt bày bán có kiểm dịch thú y, chủ hàng công khai số điện thoại, bảng giá… Tương tự, bà Võ Thị Phượng, một tiểu thương kinh doanh hàng thủy sản, cho biết, từ khi áp dụng theo các điều kiện, quy chuẩn VSATTP, khách quen thêm an tâm, khách lạ tìm đến gian hàng nhiều hơn. Nhiều khách lấy số điện thoại để gọi đặt trước khi có nhu cầu mua hàng.
Chị Tống Thị Lực (ở đường Nguyễn Thái Bình, TP Quy Nhơn) cho hay, tôi thường xuyên đi chợ Đầm, là chợ đầu mối, nguồn hàng phong phú. Từ khi chợ sắp xếp lại nhóm hàng thực phẩm tươi sống, tôi yên tâm trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày cho gia đình. Ban quản lý (BQL) chợ ở đây làm việc nghiêm túc, tích cực nên tiểu thương cũng ngày càng… hiện đại.
Không chỉ có thịt, hải sản, nhiều tiểu thương buôn bán các mặt hàng như rau xanh, đồ khô cũng hăng hái áp dụng mô hình VSATTP. Chợ Đầm vì thế hút khách mua đã đành mà cả nhiều người cũng tìm lô để về đây kinh doanh, một tác dụng phụ ít ai ngờ là trị giá chỗ bán hàng vì thế lại tăng thêm.
Ông Trần Phúc Danh - Trưởng BQL chợ Đầm - cho biết, chợ Đầm bắt đầu triển khai mô hình chợ VSATTP từ năm 2016, ban đầu cũng có nhiều khó khăn, nhưng mọi việc đã thuận. Ngành hàng thực phẩm tươi sống đón lượng khách nhiều hơn thấy rõ. Khách đến chợ đông bởi ở đây họ có thể kiểm chứng được sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh niêm yết giá rõ ràng, công khai số điện thoại nhằm minh bạch thông tin.
Thay đổi phù hợp với thị trường
Khác với kênh mua sắm hiện đại, người đi chợ truyền thống có thêm nhiều cơ hội giao tiếp, trao đổi giữa người bán và người mua - với rất nhiều người, đó là thói quen đi gặp những người bạn. Đó thật sự là một nét văn hóa. Song, để phù hợp với xu hướng thị trường, việc thay đổi, sắp xếp lại ngành hàng - nói cách khác là tăng thêm độ tin cậy, là điều cần thiết, nhất là để cạnh tranh với các kênh bán lẻ.
Ông Trần Phúc Danh chia sẻ, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các thông tin liên quan đến sản phẩm, do đó dù có lợi thế là hàng tươi sống dồi dào, giá cả linh hoạt nhưng tiểu thương ở chợ vẫn buộc phải thay đổi để tiếp cận người dùng tốt hơn. Cùng với việc tạo điều kiện để tiểu thương xây dựng gian hàng VSATTP, BQL chợ cũng yêu cầu tiểu thương cam kết bày bán sản phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo!
Thông tin tích cực từ chợ Đầm đã tác động mạnh đến các chợ khác. Một đại diện BQL chợ Khu 6 cho biết họ đang làm việc với tiểu thương để triển khai mô hình chợ VSATTP, cũng bắt đầu từ các nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Đến nay, giữa BQL chợ và các tiểu thương đã 3 lần làm việc với nhau để tìm ra giải pháp phù hợp. Điểm tích cực ở đây là cả BQL và tiểu thương cùng thống nhất quan điểm “thay đổi là cần thiết”.
Thống kê từ Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, trên địa bàn thành phố hiện có 26 chợ truyền thống, phân bố tùy thuộc vào các khu dân cư. Hiện, TP Quy Nhơn đang có chủ trương sắp xếp lại các chợ truyền thống theo mô hình chợ VSATTP; phòng Kinh tế thành phố tham mưu cho các cấp lãnh đạo, hỗ trợ BQL các chợ trong việc thay đổi này theo lộ trình từ năm 2019 tới.
Theo ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), riêng đối với địa bàn TP Quy Nhơn, tổng mức bán lẻ qua kênh truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Song, khi người tiêu dùng dần thay đổi, với những yêu cầu khắt khe hơn về hàng hóa, bên cạnh ưu thế tiện lợi trong mua sắm, việc sắp xếp lại nhóm hàng, ưu tiên các sản phẩm chất lượng, đầy đủ thông tin xuất xứ là điều cần thiết để chợ truyền thống thay đổi diện mạo, bước sang giai đoạn phát triển mới.
THU DỊU