Bệnh viêm thanh quản
Viêm thanh quản là bệnh lý tổn thương dây thanh quản làm cho bệnh nhân khàn giọng, khản tiếng, thậm chí mất tiếng. Tại Phòng khám Tai - Mũi - Họng, BVĐK tỉnh, trung bình một ngày có khoảng 10 - 20 bệnh nhân đến khám.
Khởi đầu của viêm thanh quản cấp thường là viêm mũi xoang, hoặc viêm mũi - họng. Người bệnh bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, ngạt mũi, người mệt mỏi và họng rất khô rát. Sau những triệu chứng này, người bệnh bị khàn tiếng, hoặc mất tiếng. Viêm thanh quản là bệnh ít nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và dễ tái phát.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai mũi họng (BVĐK tỉnh), cho biết: “Triệu chứng lâm sàng của bệnh là khàn tiếng kéo dài và ngày một tăng, mất tiếng, khô họng, ho khan. Bệnh nhân thường nhập viện do khàn tiếng gây khó thở hoặc khàn tiếng kéo dài”.
Ta nên lưu ý, đã có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do tự mua thuốc uống và điều trị ở nhà. Những trường hợp khàn giọng kéo dài nên nhập viện điều trị để các bác sĩ chỉ định điều trị chính xác.
“Để phòng bệnh viêm thanh quản ta không nên hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá. Uống đủ nước vì nước giữ cho niêm mạc thanh quản được trơn nhẵn và sạch. Hạn chế uống rượu và caffein để đề phòng khô họng. Tránh khạc nhổ nhiều vì động tác này khiến dây thanh âm rung bất thường và có thể làm tăng phù nề; khạc nhổ còn làm cho họng tiết nhiều chất nhày hơn và bị kích ứng hơn. Khi trời trở lạnh nên giữ ấm cơ thể, khi bị ướt nên sớm lau khô người, thay quần áo. Khi đi đường, làm việc trong môi trường bụi nên mang khẩu trang vừa có tác dụng tránh bụi, lại tránh được lạnh” - bác sĩ Long khuyên.
THÙY VY
(Trung tâm Truyền thông - GDSK)