Nộp tiền thi hành án để nhận lại tài sản trước khi mở cuộc đấu giá: Cần sửa đổi quy định bất cập
Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2015 đã tiếp tục tạo hành lang, khung pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động THADS. Tuy nhiên, hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được tiếp tục sửa chữa, bổ sung. Trong đó, có bất cập liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khoản 5 Điều 101 Luật THADS quy định: “Trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc, người phải THA có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền THA và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế THA, tổ chức bán đấu giá”. Như vậy, chủ thể được nhận lại tài sản ở đây là người phải THA, chứ không phải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Nhưng trong thực tế các vụ án có liên quan đến tài sản thế chấp bảo lãnh của bên thứ 3, trước khi mở cuộc đấu giá một ngày nếu người có tài sản bảo lãnh (bên thứ 3) có nhu cầu nhận lại tài sản (mặc dù tài sản đó đã có người đăng ký tham gia đấu giá) thì thông thường cơ quan THADS vẫn cho họ nhận lại tài sản nếu nộp đủ các khoản tiền phải THA và các chi phí hợp lý khác.
Đây là trường hợp vận dụng pháp luật của cơ quan THADS, nhằm sớm giải quyết xong hồ sơ THA, tránh trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giao tài sản cho người đấu giá thành. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người tham gia đấu giá tài sản THA đã nộp tiền đặt cọc không đồng ý với việc cơ quan THADS cho người có tài sản bảo lãnh (bên thứ 3) nhận lại tài sản, nên có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có thẩm quyền cho rằng chủ thể nhận lại tài sản đưa ra bán đấu giá không đúng với quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật THADS.
Để tránh việc khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình tổ chức THADS, các cấp có thẩm quyền cần sửa chữa, bổ sung Luật THADS, nhất là quy định bổ sung về chủ thể được nhận lại tài sản đưa ra bán đấu giá để THA, theo hướng cho người có tài sản bảo lãnh (bên thứ 3) được nộp đủ tiền THA và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế THA, tổ chức bán đấu giá để nhận lại tài sản. Có như vậy mới giảm thiểu lượng án tồn đọng kéo dài và hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
NGUYỄN TRỌNG TÀI
(Chi cục THADS TP Quy Nhơn)