Chọn mua trái cây
Trái cây nhập khẩu thường được “mặc định” ngon hơn, chất lượng tốt hơn nên giá bán cao hơn trái cây trong nước. Tuy nhiên, theo “tiết lộ” của một số người kinh doanh trái cây, với thói quen này người tiêu dùng sẽ dễ mua phải trái cây “đội lốt” hàng Mỹ, Úc, Hàn Quốc từ những nguồn nhập khẩu khác.
Nếu mua trái cây nhập khẩu bạn nên chọn những cửa hàng kinh doanh uy tín.
Trái cây nhập khẩu chính ngạch khi vào thị trường Việt Nam ngoài đảm bảo các yêu cầu về thông quan, xuất xứ hàng hóa đều có dán mã code PLU (viết tắt của cụm từ Price Look - up), được công bố và kiểm soát bởi Hiệp hội Quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm-IFPS (International Federation for Froduce Standards). Mã code PLU cung cấp thông tin về phương thức canh tác, từ đó người tiêu dùng tự đánh giá chất lượng và chọn mua sản phẩm phù hợp.
Theo đó, mã code PLU được phân thành 3 nhóm gồm: nhóm mã số với 4 chữ số, bắt đầu bằng số 3 hoặc 4 dùng cho trái cây trồng theo phương thức thông thường có sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và cách ly trong thời gian cho phép; mã số với 5 chữ số bắt đầu bằng số 9 là trái cây trồng theo phương thức hữu cơ; mã số cũng có 5 chữ số nhưng bắt đầu bằng số 8 là loại trái cây biến đổi gen. Vậy nếu quan tâm đến những yếu tố trên, việc đọc mã code PLU một gợi ý tốt.
Bà Nguyễn Thị Đức, chủ cửa hàng kinh doanh trái cây Minh Đức (đường Nguyễn Thái Học) khuyên, giá trái cây nhập khẩu thường cao hơn vì chịu nhiều loại thuế, phí chứ chưa chắc vì có chất lượng cao hơn. Nếu không phải là những sản phẩm trong nước chưa trồng được như: nho ngón tay, táo Envy, lê ngọt Hàn Quốc, cherry… thì tốt nhất nên chọn mua trái cây trong nước nhất là những sản phẩm có uy tín cao.
QUANG BẢO