Dịch vụ karaoke không được hoạt động sau 24h đêm
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường chỉ sử dụng các bài hát trong danh mục được phép phổ biến, lưu hành. Dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0h sáng đến 8h sáng; dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 2h sáng đến 8h sáng.
Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch đề xuất, dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0h sáng đến 8h sáng (Ảnh minh hoạ)
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường do Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng.
Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đánh giá, quá trình quản lý dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số quy định về hoạt động karaoke, vũ trường tại Nghị định số 103/2009 không còn phù hợp.
Nghị định số103 cũng chưa có khái niệm về dịch vụ karaoke, vũ trường tạo nên hiện tượng biến tướng lách luật. Trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường đã có cải cách nhưng vẫn còn thiếu quy định về việc cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép; đặc biệt, khi phát hiện sai phạm, chưa có quy định về tạm dừng kinh doanh để khắc phục vi phạm và thu hồi giấy phép.
“Dịch vụ karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014, một trong các dịch vụ kinh doanh phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng nhiều mặt đến xã hội, rất dễ bị lợi dụng, biến tướng. Do vậy, việc ban hành nghị định riêng để quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch nhận định.
Dù vậy, Bộ này “cam kết” nghị định sẽ không làm phát sinh các điều kiện về nguồn nhân lực và nguồn tài chính để thực hiện. Gia đình, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không phải chịu tác động tiêu cực về kinh tế, chi phí từ việc quy định các điều kiện kinh doanh do nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm.
4 điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Dự thảo nghị định nhấn mạnh: Chỉ tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; đảm bảo trật tự xã hội, an toàn tính mạng và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Không lợi dụng hoạt động kinh doanh làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cũng được đề xuất đơn giản hơn. Cụ thể, đối với dịch vụ karaoke có 4 điều kiện: (1) doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; (2) bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự; (3) phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Cửa phòng hát phải đảm bảo bên ngoài nhìn thấy hoạt động bên trong; (4) không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Đối với dịch vụ vũ trường cũng có 4 điều kiện: (1) doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; (2) bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự; (3) phòng khiêu vũ phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ; (4) địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, trụ sở cơ quan nhà nước các cấp từ 200m trở lên.
Ngoài ra, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch cũng đề xuất quy định cụ thể yêu cầu đối với doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải có Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Trường hợp thay đổi về địa điểm kinh doanh, số lượng phòng, chủ sở hữu hoặc các nội dung khác so với Giấy phép được cấp phải xin Giấy phép sửa đổi, bổ sung.
Dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 2h - 8h sáng
Dự thảo nghị định nêu rõ, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường chỉ sử dụng các bài hát trong danh mục được phép phổ biến, lưu hành; ký hợp đồng với người lao động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động; đảm bảo âm thanh, ánh sáng theo quy chuẩn; tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh rượu...
Ngoài ra, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cũng đưa ra một số trách nhiệm riêng đối với từng dịch vụ. Trong đó, đối với dịch vụ karaoke phải đảm bảo hình ảnh phát kèm lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phù hợp với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không được hoạt động từ 0h sáng đến 8h sáng.
Dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 2h sáng đến 8h sáng; không cung cấp dịch vụ cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp có chương trình nghệ thuật phải được cấp phép theo quy định của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn; trước ngày 25 hàng tháng phải gửi Kế hoạch biểu diễn nghệ thuật tại cơ sở trong tháng kế tiếp cho cơ quan có thẩm quyền.
Theo Thế Kha (Dân Trí)