Tri thức và doanh trí
Cùng với khát vọng xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia cho sản phẩm và cho doanh nghiệp mình, nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay, nhất là doanh nhân trẻ, đã nhận thức rằng doanh trí, đẳng cấp doanh nhân không là khẩu hiệu làm sang mà chính là nội lực, là đòn bẩy tạo dựng sức mạnh trong hành trình chèo lái con thuyền kinh doanh ra biển lớn.
Rõ ràng nền kinh tế tri thức đang chi phối và quyết định sự thành công, tốc độ tăng trưởng của kinh tế mỗi nước, của thế giới, sự tiến bộ, nền văn minh của xã hội loài người.
Và hiển nhiên ai cũng hiểu rằng, trong một thế giới dễ tổn thương, đầy thách thức, cạnh tranh như hiện nay, nền kinh tế tri thức là chiếc đũa thần tạo cơ hội cho cá nhân thăng tiến, doanh nghiệp phát triển bền vững, quốc gia giàu có, hùng cường, nếu như biết khai thác, tận dụng nó.
Là một giai tầng sinh sau đẻ muộn, đầy thăng trầm trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, nhưng doanh nhân Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế, vai trò, nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế nước nhà.
Cộng đồng doanh nhân Việt Nam hầu hết đều khởi nghiệp và hoạt động ở qui mô nhỏ và vừa. Bên cạnh những khó khăn bởi nguồn vốn, thách thức từ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và bản lĩnh thương trường luôn là nổi ám ảnh nhiều doanh nhân Việt Nam.
Tuy nhiên với bản chất năng động, óc thực tế, hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của giới mình cũng như những yêu cầu, đòi hỏi của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã không ngừng tự hoàn thiện bằng việc tiếp cận với nền kinh tế tri thức để "nạp năng lượng", tạo dựng nội lực của một cộng đồng "nhỏ nhưng có võ” để tham gia vào "đấu trường" kinh doanh toàn cầu.
Để nâng cao doanh trí cho cá nhân và cho cộng đồng doanh nhân, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có những chiến lược, chính sách đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực rất bài bản.
Từ cán bộ lãnh đạo cấp cao, cấp trung đến nhân viên kỹ thuật đều được qui hoạch, cử tham gia các lớp học chính qui hoặc ngoài giờ; các lớp học chuyên ngành dài hạn hoặc ngắn hạn; tham dự các hội thảo chuyên đề..., xem đó như là một cách nạp năng lượng để điều hành, quản trị nhà máy, vận hành sản xuất một cách khoa học, chuyên nghiệp.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản trị theo kiểu gia đình là một quán tính gây cản trở không nhỏ cho quá trình phát triển. Muốn thay đổi, không gì khác là doanh nhân cần học tập và chia sẻ kinh nghiệm vận hành quản trị khoa học từ các trường lớp, từ chuyên gia, từ đồng nghiệp.
Đặc biệt từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, trước nhu cầu tiếp cận thuật quản trị kinh doanh hiện đại của thế giới, doanh nhân Việt Nam đã tích cực tham dự nhiều khóa học, nhiều cuộc hội thảo, các buổi gặp gỡ dưới sự chủ trì của những giáo sư, chuyên gia nổi tiếng của thế giới như M.Porter, Philip Kotler, Paul Krugman.
Mặt khác, nhiều doanh nhân đã tìm con đường học tập khác thông qua sách, một cách thức học hỏi tiết kiệm, thuận tiện, không kém phần hiệu quả.
Điều đáng mừng là thị trường ngày càng có nhiều sách kinh doanh được xuất bản. Nào là sách B.E (Business Edge ) do IFC tài trợ, nào là những bộ sách nằm trong "Tủ sách doanh trí” do PACE tuyển chọn, sách kinh doanh cập nhật những kiến thức mới của nhiều đơn vị kinh doanh sách như Nhà xuất bản Trẻ, Alphabook, DTBOOKS, Thái Hà Book...
Hầu hết loại sách này đều cần thiết và có ích cho doanh nhân Việt Nam. Nhiều doanh nhân đã biết tích lũy kinh nghiệm điều hành, kiến thức kinh doanh từ trong các dòng sách này.
Có doanh nhân còn trang bị tủ sách kinh doanh cho gia đình, cho công ty mình, thậm chí còn trợ cấp cho nhân viên mua hai cuốn sách mỗi tháng. Đó là sự đầu tư khôn ngoan cho doanh trí và cho doanh nghiệp.
Gần đây cuộc vận động nâng cao dân trí trong cộng đồng xã hội được cổ vũ dưới khẩu hiệu "Xã hội học tập, học tập suốt đời". Để khai thác sức mạnh tri thức, xin được góp thêm vài ý kiến:
1/ Lãnh đạo doanh nghiệp cần có chính sách đầu tư thích đáng cho nguồn nhân lực bằng qui chế đào tạo, tuyển cử cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên; thường xuyên hay định kỳ đưa cán bộ, nhân viên công ty tham dự các lớp học chuyên môn nghiệp vụ, các chương trình hội thảo chuyên đề tại các trường đại học, cao đẳng, các hội ngành nghề...
2/ Xây dựng không gian tri thức. Tổ chức Monthly Event vào một ngày cố định của tháng. Trong ngày này, từ sếp đến nhân viên đều có thể chia sẻ một cách dân chủ, bình đẳng những vấn đề liên quan đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, những vấn đề thời sự - xã hội, những vấn đề mới nẩy sinh trong đơn vị...
Định kỳ hằng quý tổ chức Brainstorm hiến kế những ý tưởng mới trong sản xuất - kinh doanh, hiến kế cho những dự án mới, những giải pháp tháo gỡ khó khăn...
Các sinh hoạt này không chỉ giúp định hình văn hóa công ty mà càng gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp.
Tổ chức nhóm học tập, nhóm sở thích, nhóm sáng tạo... Thông qua hoạt động nhóm, hình thức tổ chức học tập, trí tuệ, chất xám của từng cá nhân, phòng ban, tổ đội... được trân trọng, được chia sẻ để cùng nhau học những điều hay điều mới của nhau...
. Theo TS. Quách Thu Nguyệt (DNSG)