Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển: Tầm nhìn rộng mở, giải pháp toàn diện
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) đang tạo được niềm tin lớn với tầm nhìn rộng mở, giải pháp toàn diện và những bước đi chắc chắn.
Triển khai các nội dung chính của Nghị quyết 36 tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (tổ chức ngày 23.11), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhìn nhận, kinh tế biển (KTB) bước đầu phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển, đảo tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu, chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp…
Tạo động lực, niềm tin mạnh mẽ
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Trung ương đã đề ra mục tiêu tổng quát là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững KTB.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
- Trong ảnh: Bộ đội biên phòng tuần tra ở vùng biển huyện Phù Cát.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; KTB đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường chia sẻ rằng, ông rất tâm đắc với mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến 2045 của Chiến lược. “Vai trò và vị thế của Việt Nam sẽ được thể hiện ở một tầm vóc mới, xứng đáng với một quốc gia có diện tích biển gấp 3 lần đất liền, nhiều tiềm năng chưa được khám phá và khai thác hết”, ông Nhường nói.
Trong khi đó, PGS.TS Lương Thị Vân - Chủ tịch Hội Địa lý Bình Định, nguyên Trưởng khoa Địa lý - Địa chính (Trường ĐH Quy Nhơn), cho rằng Nghị quyết 36 tạo động lực to lớn và niềm tin mạnh mẽ cho toàn xã hội từ tiềm năng của “Một đất nước biển - Một dân tộc biển”. Nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại biển Đông. Cùng với đó là các vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu như ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, thiên tai từ biển và mực nước biển dâng.
Tận dụng thời cơ
Nghị quyết 36 đã chỉ ra một số khâu đột phá để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trong thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý là phát triển KH&CN và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu KH&CN tiên tiến, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. Theo TS Lê Công Nhường, phải có kế hoạch sớm triển khai khâu đột phá này để chúng ta hiểu thêm về đại dương, khai thác tốt hơn nữa trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 36:
* Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước.
* Thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng KT-XH cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...
* Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm.
Bên cạnh đó là yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực nghề biển. Toàn tỉnh hiện có 6.345 phương tiện nghề cá với 44.350 lao động; trong đó có 3.673 tàu công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản vùng biển xa bờ với khoảng 34.000 lao động. Đến nay tỉnh chỉ mới thực hiện phối hợp bồi dưỡng chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho khoảng 4.000 người, tập huấn nghề cho khoảng 3.000 người đi biển.
Để khắc phục tình trạng này, ngành LĐ-TB&XH và NN&PTNT cần quan tâm đào tạo nghề biển, tập trung hướng dẫn kỹ thuật điều khiển tàu sắt, kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản theo công nghệ mới. “Tay nghề cao sẽ góp phần giảm tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy định mới về việc kiểm soát các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) của EU”, ông Nhường nhận định.
Từ thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, PGS.TS Lương Thị Vân cho rằng Nghị quyết 36 sẽ có tác động mạnh mẽ, tạo động lực to lớn và thổi luồng gió mới cho phát triển KTB Bình Định theo hướng bền vững. Đặc biệt là về chủ trương “Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển” và “Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai”.
Để tận dụng tốt thời cơ, theo PGS.TS Lương Thị Vân, cần quy hoạch quản lý tốt hơn 134 km bờ biển quý của tỉnh. Quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển KT-XH để phát triển bền vững KTB trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, đảm bảo tính liên vùng. Xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật, các công trình đầu mối kỹ thuật kết nối đồng bộ với hệ thống đô thị ven biển và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.
NGUYỄN VĂN TRANG