Tây Sơn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm” du lịch
Tây Sơn là huyện có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nên huyện đã có nhiều nỗ lực đánh thức tiềm năng. Với quyết tâm này, tháng 9.2018, UBND huyện Tây Sơn đã tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch huyện Tây Sơn”. Sau Hội thảo, huyện tích cực triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) của Chính phủ theo định hướng hoàn chỉnh và phát triển những sản phẩm có sẵn để phục vụ du lịch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Dầu phụng Tây Sơn là sản phẩm truyền thống được nhiều người tin dùng.
Ở Tây Sơn đến nay vẫn còn nhiều nghề và sản phẩm đặc trưng như: nón lá Thuận Hạnh (xã Bình Thuận), bánh tráng Kiên Long (xã Bình Thành), dệt thổ cẩm xã Vĩnh An. Huyện đã chọn ra 13 sản phẩm thuộc 3 nhóm để đầu tư hoàn thiện, chuẩn hóa; xây dựng và công nhận khoảng 30 tổ chức DN, HTX, cá nhân hộ sản xuất sản phẩm địa phương tiêu biểu đạt thứ hạng từ 3 đến 5 sao theo bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm địa phương. Các sản phẩm điển hình gồm: rau an toàn VietGAP, nấm sò, nấm rơm, sản phẩm bánh tráng bằng máy, bánh ít lá gai, dầu phụng, quýt đường, lúa thương phẩm, bò thịt, heo thịt chất lượng cao, rượu đậu xanh, nón lá...
Ông Trần Văn Lượng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” hướng đến việc gắn kết cộng đồng làng nghề, đổi mới công nghệ, cách thức sản xuất, thân thiện với môi trường... Ví như sản phẩm rượu đậu xanh xã Tây Phú nếu được công nhận thương hiệu, ngoài việc hình thành làng nghề nấu rượu đậu xanh, sẽ hình thành vùng nguyên liệu trồng đậu xanh để phục vụ cho việc nấu rượu. Du khách khi đến với Tây Sơn không chỉ được thưởng thức rượu mà còn được tham quan những cánh đồng đậu xanh canh tác an toàn”.
Dù có nhiều tiềm năng nhưng chương trình gặp không ít khó khăn, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho hay: Xã có 2 hộ nấu rượu đậu xanh đặc biệt, có khách hàng ở nhiều nơi. Khi huyện, xã vận động xây dựng nhãn hiệu tập thể rượu đậu xanh truyền thống Tây Phú, thì các hộ dân vẫn e ngại do sợ bị nhái, bị mất bí quyết sản xuất. Tương tự người dân ở làng bánh tráng Kiên Long cũng chưa mạnh dạn tham gia chương trình, mở rộng sản xuất vì lo rằng đầu tư vào đó nhiều vốn, làm bao bì mẫu mã để có sản phẩm du lịch nhưng nếu không bán được hàng thì coi như mất vốn.
Ông Hồ Thành Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, chia sẻ: Cái gì mới thì ban đầu cũng rất khó khăn. Thuyết phục để người dân chịu thay đổi cách thức sản xuất, buôn bán mà họ đã quen từ lâu đời không dễ. Vì vậy để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm bước đầu chúng tôi sẽ tập hợp các nhóm đối tượng cùng sở thích, các cơ sở sản xuất cùng một mặt hàng, các vùng trồng cùng một loại cây, mời chuyên gia tư vấn cách nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Khi sự đột phá thành công sẽ tạo đà cho những sản phẩm kế tiếp.
ĐINH THỊ MINH NGỌC