Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hoài Nhơn: Ðổi mới sản xuất, mở rộng thị trường
Ðầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc tiên tiến vào quá trình sản xuất, đa dạng mẫu mã, hoàn thiện bao bì... là cách mà nhiều DN, cơ sở sản xuất đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại huyện Hoài Nhơn đang tích cực thực hiện để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Nâng cấp máy móc, thiết bị
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, sản phẩm bánh tráng Phương Nguyên (thôn Trường An 1, xã Hoài Thanh) đã được thị trường chấp nhận. Năm 2018, bánh tráng Phương Nguyên được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh. Để đạt được kết quả đó, ngay từ lúc thành lập cơ sở sản xuất mới, anh Lê Văn Luận (chủ cơ sở) cùng với cộng sự của mình quyết định đầu tư nhà xưởng sản xuất quy mô, đưa máy móc hiện đại thực hiện quy trình sản xuất khép kín.
Cơ sở bánh tráng Phương Nguyên đầu tư máy móc vào sản xuất như máy tráng, sấy, sân phơi... tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Theo đó, anh Luận đầu tư nhà xưởng, sân phơi với diện tích 3.500 m2, máy đánh bột, máy tráng, dây chuyền sấy bánh bằng hơi nước, máy đóng gói... Với quy trình sản xuất khép kín, không phụ thuộc vào thời tiết, cơ sở bánh tráng Phương Nguyên hoạt động đều, cung ứng ra thị trường mỗi tháng khoảng 30 tấn bánh tráng; giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương.
Với 2 sản phẩm chủ lực là cùi dừa dòn và bánh dừa nướng được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2018, cơ sở sản xuất dừa dòn Thanh Phương (thôn An Dinh 1, xã Hoài Thanh) từng bước đầu tư nâng cấp máy móc, đưa thêm thiết bị hiện đại vào sản xuất. Hiện, cơ sở này đã lắp đặt và vận hành hệ thống dây chuyền sấy khô bánh dừa dòn và một số máy phục vụ việc cắt, nạo dừa sợi. Bình quân, mỗi năm cơ sở dừa dòn Thanh Phương cung ứng ra thị trường 300 tấn cùi dừa dòn, 60 tấn bánh dừa nướng.
Đa dạng sản phẩm, bao bì bắt mắt
Để đưa sản phẩm bánh nổ nếp ngự - sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2018, vào các thị trường mới, cơ sở sản xuất bánh kẹo đặc sản Sáu Chiến (khối 8, thị trấn Tam Quan) đa dạng hóa sản phẩm bằng việc thay đổi các mẫu bánh với nhiều kích thước khác nhau, đóng gói bằng bao bì đẹp mắt.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, quản lý cơ sở, cho biết: “Để đưa bánh nổ nếp ngự vào các quày bán đặc sản ở TP Quy Nhơn, ở sân bay Phù Cát, chúng tôi đóng gói bánh trong những hộp nhỏ, bên ngoài có thông tin đầy đủ về sản phẩm, có cả tiếng Anh cho khách nước ngoài. Ngoài món bánh nếp nổ truyền thống, chúng tôi còn đầu tư thêm một số mẫu bánh mới như bánh nếp phủ socola, đậu phộng muối ớt, thiết kế lại bao bì cho bắt mắt khách hàng, phù hợp thị trường.
Theo anh Lê Văn Luận, liên tục đa dạng hóa sản phẩm, bám sát nhu cầu thị hiếu vốn thường xuyên thay đổi của khách hàng là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của DN. Do đó, thay vì sản xuất bánh tráng theo hình thức cũ, cơ sở bánh tráng Phương Nguyên sản xuất thêm các loại bánh như bánh mè nướng chín, bánh cuốn chả ram, bánh tráng cuốn... đưa bánh ra thị trường nhiều hình thức khác nhau, phù hợp cho nhiều khách hàng sử dụng.
Theo ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, năm 2018 huyện có 17 cơ sở, DN có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, 4 sản phẩm được công nhận cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các cơ sở, DN sản xuất đặc sản, sản phẩm CNNTTB trên địa bàn đã có nhiều đổi mới trong sản xuất như đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm như HTXNN Ngọc An, cơ sở bánh tráng Phương Nguyên, bánh kẹo đặc sản Sáu Chiến...
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp (Sở Công Thương), huyện Hoài Nhơn là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác khuyến công, hỗ trợ tốt các đơn vị sản xuất. Các cơ sở sản xuất sản phẩm CNNTTB ở Hoài Nhơn linh động, nhanh nhạy trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị trường.
THU DỊU