Những khoảng lặng của cảm xúc...
Khoảng lặng thơ (NXB Văn học, 2018) là tập bình thơ của nhà giáo, nhà thơ Hồ Thế Hà bình 37 bài thơ của các tác giả Việt Nam hiện đại như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Lệ Thu, Văn Trọng Hùng… Hồ Thế Hà có cách tiếp cận, bóc tách để hiển lộ cái hay, cái đẹp dưới góc nhìn soi chiếu vừa mang tính học thuật vừa là sự đồng cảm của ông với từng tác phẩm.
Tôi thích cách khi ông vận dụng độ trải nghiệm bản thân và sự mẫn cảm với thơ để bình, để nắm bắt độ suy gợi. Ví như khi ông bình bài thơ Thiền của Nguyễn Khắc Thạch. Bài thơ tương đối ngắn, nguyên văn: “Bên thềm hoang/ Thiếu phụ/ Thoát y nằm// Ngọn nến cháy/ Sau vầng trăng khuyết!”.
Thử đọc một đoạn bình của Hồ Thế Hà: “Tác giả vẫn ngắt câu thơ thành hai dòng để ý tưởng hiện ra, biểu hiện hai trạng thái của chủ thể ý thức. Ngọn nến cháy không chỉ là ngọn nến mà còn chính là trạng thái của con người. Trong thời gian đêm, “ngọn nến cháy” và “vầng trăng khuyết” như đang cùng soi rọi vào cảnh vật và con người. Còn con người ấy có thể đang trầm ngâm nghĩ về cái vô thường của “quán tướng”, cũng có thể đang tự vấn về một lẽ vi diệu, bí ẩn nào đó. Còn người thiếu phụ nơi thềm hoang, thoát y nằm, vẫn là một đối tượng với chủ thể thiền, để tôn thờ, trân trọng nhưng liền sau đó xóa nhòa, bởi “sau vầng trăng khuyết” chính là thời gian, không gian của sự khải ngộ, của sự thanh thản như vầng trăng kia, ngọn nến kia đang hòa tan vào trời đất”.
Hồ Thế Hà gọi kiểu tổ chức thơ của Nguyễn Khắc Thạch qua bài thơ Thiền là “thơ tạo sinh nghĩa”. Ông nhìn nhận: “Đọc thơ anh, ta không bị lây lan nhiều về câu chữ ngay lập tức. Nó chỉ lây lan sau khi ta đã hiểu ý tứ, bị quyến rũ về ý tứ và minh triết ý vị của nó”.
Hồ Thế Hà có khả năng tiếp nhận, bình cảm nhiều tạng thơ, ông đi sâu vào thế giới nội tại của thơ, khám phá những chiều kích, ẩn ức trong thơ mà tác giả bài thơ nhắn gửi. Ở chiều hướng đó, ông dành cho thơ một tình yêu đặc biệt và cũng dành cho những thi nhân những trân trọng đáng có. Khoảng lặng thơ là tập sách nhiều công phu, nhiều tư duy khoa học nhưng vẫn đầy đặn cảm xúc.
VÂN PHI