Đào tạo đại học khóa đầu không đạt sẽ không được tiếp tục tuyển sinh
Nếu kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục đại học không được tiếp tục tuyển sinh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1.7.2019.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD-ĐT)
Một trong những quy định mới của Luật là các trường được tự chủ mở ngành ở tất cả các trình độ trên cơ sở điều kiện, năng lực của mình.
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởngVụ GDĐH cho biết, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, các trường tự chủ mở ngành theo các quy định hiện hành về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác.
Các tiêu chuẩn này hiện nay vẫn giữ như trong Luật, đồng thời bổ sung thêm những quy định khắt khe hơn để đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của các ngành mới mở như bổ sung các quy định về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường đó trong những năm trước ra sao thì mới có thể được mở ngành mới hay nhà trường phải đảm bảo đáp ứng cơ chế kiểm định chất lượng.
Cụ thể là trường phải được kiểm định và đạt kết quả kiểm định nhất định thì mới được mở các ngành của trình độ ĐH, ngành đào tạo của trình độ ĐH phải được kiểm định rồi mới được mở các ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng, ngành đào tạo thạc sĩ được kiểm định rồi mới được mở ngành tiến sĩ phù hợp.
Ngoài ra, việc mở ngành còn phải do hội đồng trường quyết định. Theo đó, hội đồng trường theo quy định mới, không chỉ những người trong trường mà còn cả những người ngoài trường với tỷ tệ tối thiểu 30% là các nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, các cơ quan của tổ chức khác.
Những người này sẽ xem xét việc xã hội có cần ngành học đó hay không, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường có đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành học đó hay không. Điều đó có nghĩa rằng, nhà trường phải cân nhắc tới năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu đào tạo đó không.
Khóa đầu tiên không đạt chất lượng thì không được tiếp tục tuyển sinh
Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng nhiều trường ĐH mở ngành với “tốc độ cao”, chưa tương xứng với tốc độ đầu tư đảm bảo điều kiện chất lượng, nhiều tên ngành đào tạo không hình dung được sự khác biệt với các tên ngành đã mở và vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp. Điều này sẽ được xử lý trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn bao gồm: ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tự chủ về học thuật không có nghĩa là không có sự quản lý, kiểm tra, giám sát.
Khoản 4, Điều 33 về Mở ngành đào tạo có quy định, “Cơ sở giáo dục đại học tự mở ngành khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định thì bị đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo đó và không được tự chủ mở ngành trong thời hạn 5 năm kể từ khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền”.
Nếu không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục ĐH không được tiếp tục tuyển sinh, phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, đảm bảo quyền lợi cho người học. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều trường ĐH mở ngành, tuyển sinh ồ ạt, nhưng không đảm bảo chất lượng, thiếu hụt giáo viên, cơ sở vật chất dẫn tới đào tạo kém chất lượng, cho ra trường sinh viên không đáp ứng chuẩn đầu ra.
Luật cũng quy định quyền tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình. Cụ thể là: cơ sở GDĐH có trách nhiệm báo cáo, thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện đúng các quy định, cam kết của cơ sở GDĐH.
Những thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, học phí, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đều phải công khai trên kênh thông tin chính thức của trường để người học xã hội tham khảo, giám sát.
Theo Bích Lan (VOV)