Phát triển Đảng trong đối tượng học sinh THPT:
Những vấn đề cần tháo gỡ
Bậc học THPT là quãng thời gian học sinh phải gánh một lượng kiến thức khá lớn để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ. Do đó, không chỉ học sinh mà nhà trường và gia đình cũng rất lo lắng cho con em, học trò trong giai đoạn này. Việc chọn lựa một số học sinh xuất sắc để học cảm tình Đảng trong giai đoạn này không phải là dễ, bởi ngoài thời gian học ở trường, các em còn phải tham gia các lớp học thêm để nâng cao kiến thức; trong khi đó, về quy định, lớp cảm tình Đảng phải tổ chức từ 5- 7 ngày liên tục, gây không ít khó khăn về thời gian của các em.
Ở một phương diện khác, tâm lý phụ huynh học sinh đối với việc phát triển Đảng của con em trong lứa tuổi này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Một số phụ huynh có con em được chọn là đối tượng Đảng không mấy hưởng ứng tích cực, bởi họ chỉ muốn con mình chuyên tâm vào việc học để thi đậu các kỳ thi. Đối với một số cha mẹ có con học giỏi, gia đình kinh tế khá giả và có ý định cho con đi du học, thì băn khoăn về việc sau này con họ tìm việc ở công ty, doanh nghiệp không có tổ chức đảng sẽ gặp khó khăn trong việc sinh hoạt đảng...
Phát triển Đảng trong đối tượng học sinh THPT là việc rất cần thiết, để một mặt nâng cao chất lượng, số lượng đảng viên, mặt khác, để định hướng đúng cho thế hệ trẻ đi theo lý tưởng cách mạng. Đây cũng là cách tốt nhất để thế hệ trẻ có thể trau dồi bản lĩnh chính trị, về lập trường quan điểm, ủng hộ cái đúng; phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, những lệch lạc về văn hóa, lối sống đang ngày càng du nhập vào giới trẻ hiện nay.
Để làm được điều đó, thiết nghĩ cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong trường học về lý tưởng cách mạng, về chủ trương, chính sách, nhiệm vụ của công tác giáo dục, đào tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng con người có đức, tài. Bên cạnh đó, nhà trường cần quan tâm việc bồi dưỡng ý thức tự giác của học sinh trong học tập, hoạt động Đoàn, Hội, xã hội. Mặt khác, nhà trường và các đoàn thể cần tăng cường công tác vận động, giải thích đến các phụ huynh và bản thân học sinh về mục đích, định hướng về Đảng đối với con em họ, nhất là vùng nông thôn. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các em có sức học khá, năng khiếu về công tác Đoàn, Hội, có biểu hiện về năng lực lãnh đạo tập thể và đạo đức, phẩm chất tốt, tinh thần tự giác, tự nguyện cao.
Một điểm nhỏ nhưng cũng rất cần được lưu ý nữa là việc bố trí thời gian học cảm tình Đảng cho học sinh THPT cần được hợp lý, không ảnh hưởng lớn đến lịch học của các em. Tổ chức Đảng ở trường học cần phân công giáo viên (là đảng viên) theo dõi, giúp đỡ từ khi các em bước vào lớp 10 để có bước đánh giá về học sinh thực chất hơn, toàn diện hơn trước khi các em vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
ANH TUẤN