Ðể trường học là “nơi thương chốn nhớ”
Bên cạnh công tác dạy tốt, học tốt, gần đây nhiều trường ở tỉnh còn chú trọng việc tạo không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao cho học sinh. Ðiều này không những giúp học sinh có điều kiện vui chơi, rèn luyện kỹ năng mà còn tạo thêm lòng yêu trường, mến lớp.
Đến thăm Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (Tuy Phước) vào giờ ra chơi, nhiều hoạt động sẽ khiến người xem thích thú. Sau khoảng thời gian tập thể dục giữa giờ theo nhạc, các em chạy ùa đi lựa chọn hình thức vui chơi cho mình. Bên cạnh những em say sưa đọc sách ở thư viện xanh, chơi các trò chơi dân gian (cờ chém gánh, cờ bí, ô ăn quan...) có em đá bóng ở sân bóng mini, chơi xích đu. Sân trường rộn rã các hoạt động.
Nhiều hoạt động giờ ra chơi tại sân trường giúp các em không chạy nghịch.
Nhiều trăn trở với học sinh, đặc biệt học sinh vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cô Lê Thị Tuyết Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), cho biết: “Dù là trường thị trấn nhưng đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên trường sẽ cố gắng đầu tư dần để học sinh có cơ hội tiếp cận với các hoạt động văn hóa thể thao. Trước mắt trường đã xây dựng được các góc sinh hoạt cho các em như góc đọc sách, góc kỹ năng, góc các trò chơi ghép hình, vẽ... Ở đó các em tự do vui chơi, sinh hoạt. Thỉnh thoảng trường có tổ chức hoạt động để mời phụ huynh vào sinh hoạt với các em. Sắp tới trường sẽ xây dựng thư viện xanh ngoài sân trường để tạo không gian khuyến khích các em đọc sách”.
Bên cạnh xây dựng không gian sinh hoạt, vui chơi, một số trường còn mang bản sắc văn hóa địa phương vào trường như sân Trường Mầm non Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn) luôn có 9 chòi để các em tiếp cận với nghệ thuật bài chòi; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh xây dựng phòng truyền thống để học sinh học tập sinh hoạt văn hóa Bana như dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, múa xoang. Từ đó, giúp học sinh có không gian tiếp cận với bản sắc, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Không chỉ vui chơi trong khuôn viên nhà trường, nhiều trường hướng không gian sinh hoạt ra các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trường THCS Võ Xán (Tây Sơn) thường đưa học sinh tìm hiểu, học tập tại nhiều nơi trong tỉnh như suối nước nóng Hội Vân (Phù Cát), Khu du lịch sinh thái Hầm Hô (Tây Sơn)... Trường Tiểu học số 2 Phước Lộc (Tuy Phước), Trường Tiểu học số 2 Nhơn Hậu, Trường Tiểu học số 1 phường Bình Định (TX An Nhơn) tổ chức cho các em đi thăm, tìm hiểu ở các di tích, giúp các em hiểu rõ hơn về quê hương mình. Mỗi lần tham quan, các em sẽ được nghe thầy cô giới thiệu sơ lược về địa điểm, đồng thời tổ chức các hoạt động như các trò chơi dân gian, thi tìm hiểu di tích... Thích thú, em Nguyễn Ngọc Bảo Trân (lớp 5C, Trường Tiểu học số 2 Phước Lộc) chia sẻ: “Trong sân trường em cũng có trò chơi nhưng em thích được thầy cô cho ra chơi bên ngoài nữa, đi chơi bên ngoài thích lắm, nhờ đó em mới được biết đền thờ cụ Đào Tấn”.
Thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, chia sẻ: “Tuổi các em là tuổi hiếu động nếu không tạo ra các hoạt động, trò chơi cho học sinh tham gia thì các em phải chạy giỡn, rượt bắt dẫn đến gây chuyện với nhau. Vì vậy vài năm trước chúng tôi bắt đầu xây dựng không gian sinh hoạt, vui chơi cho các em. Từ ngày có thêm nhiều hoạt động phụ trợ hấp dẫn, các em thích được đến trường, ham đến lớp và năng động hơn”.
THẢO KHUY