Chương trình Xây dựng nông thôn mới năm 2018: Thêm 17 xã về đích
Theo Văn phòng Ðiều phối Xây dựng nông thôn mới thuộc Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có thêm 17 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vượt 4 xã so với kế hoạch đề ra. Như vậy, trên địa bàn tỉnh đã có 66/121 xã về đích nông thôn mới, chiếm 54,5% tổng số xã khu vực nông thôn.
17 xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong năm 2018, gồm: Phước Thuận, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Hòa (Tuy Phước), Nhơn Tân, Nhơn Mỹ, Nhơn Hạnh (TX An Nhơn), Cát Hưng, Cát Tường (Phù Cát), Mỹ Tài (Phù Mỹ), Hoài Đức, Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Phú, Hoài Hải (Hoài Nhơn), Ân Hảo Đông (Hoài Ân), Bình Thuận (Tây Sơn).
Nỗ lực về đích
Ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó Văn phòng Điều phối XDNTM (Sở NN&PTNT), cho biết: “Qua kết quả kiểm tra, thẩm định tại các xã về đích năm 2018 cho thấy chất lượng thực hiện các tiêu chí đạt khá tốt so với yêu cầu. Chính quyền các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai XDNTM; người dân ngày càng hiểu rõ hơn lợi ích của Chương trình XDNTM nên chung sức, đồng lòng tích cực tham gia”.
Một trang trại trồng quýt cho thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng ở xã Nhơn Tân.
Trong năm 2018, nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh đã hỗ trợ trên 211 tỉ đồng cho các xã thực hiện các tiêu chí XDNTM; trong đó, vốn Trung ương hơn 128 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh 55 tỉ đồng, vốn khen thưởng cho các xã về đích trước kế hoạch gần 28 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, các xã đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế…, đảm bảo theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã dành kinh phí hơn 11,2 tỉ đồng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Thực hiện Chương trình XDNTM, nhiều năm qua, Hoài Nhơn luôn được xem là địa phương dẫn đầu và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Xác định XDNTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu, trong các năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực và vận động nhân dân cùng chung sức, đồng lòng XDNTM. Trong năm 2018, toàn huyện có thêm 5 xã về đích, nâng tổng số xã hoàn thành XDNTM trên địa bàn huyện lên 15/15 xã (đạt 100%). Huyện đã chọn 2 xã Tam Quan Bắc và Hoài Hương để xây dựng xã NTM nâng cao; đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận huyện hoàn thành XDNTM trong năm 2019.
Nông thôn đổi mới
Đánh giá về kết quả thực hiện XDNTM trong năm 2018, ông Phan Thành Giản cho rằng: Chương trình XDNTM đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, mục tiêu của Ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh đề ra là có 13 xã về đích; tuy nhiên với sự quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và người dân nên toàn tỉnh đã có thêm 4 xã hoàn thành NTM trước kế hoạch.
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn).
Ông Bùi Văn Tô, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), phấn khởi: “Tết Kỷ Hợi - 2019 này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương rất vui và tự hào, bởi xã đã về đích NTM. Trước đây, khi nhắc đến Nhơn Tân thì nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất khó khăn, nhưng bây giờ địa phương đã hoàn toàn đổi khác. Từ khi bắt tay vào XDNTM, địa phương đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm…, xem đây là tiền đề để tạo cú hích phát triển kinh tế”.
Cùng với đó, xã Nhơn Tân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ lợi thế ở đầu nguồn nước hồ Núi Một nên nhân dân đã khai thác có hiệu quả mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng; hàng trăm gia đình đã khá và giàu lên nhờ mô hình kinh tế này. Hiện, xã có hơn 3.700 ha rừng, trong đó có 1.100 ha rừng kinh tế thuộc dự án trồng rừng WB3 với trên 600 hộ tham gia trồng rừng. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của người dân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 5%.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, một nông dân ở thôn Thọ Tân Nam, xã Nhơn Tân, bộc bạch: “Chừng 5 năm về trước, không ai nghĩ xã Nhơn Tân lại có điều kiện hạ tầng khang trang như hôm nay. Đường sá thì được đúc bê tông phẳng phiu, tạo thuận lợi cho nông dân vận chuyển vật tư, nông sản. Kênh mương nội đồng đều được bê tông, cứng hóa nên việc dẫn nước vào đồng ruộng thuận lợi, năng suất cây trồng tăng lên gấp 2 - 3 lần. Thật sự, Chương trình XDNTM đã làm thay đổi hẳn những miền quê nghèo khó”.
“Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong XDNTM được rút ra là các địa phương đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, xem nhân dân là chủ thể; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Từ đó, đã khơi dậy được sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân cùng tham gia XDNTM”, ông Phan Thành Giản nhấn mạnh.
NGUYỄN HÂN
Cần có báo cáo tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới để nhân dân hiểu mà tiếp tục phấn đấu thực hiện, như một số địa phương khác trong nước, như huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) - điển hình về xây dựng nông thôn mới của nước ta.