Cựu TNXP đi tìm đồng đội
Đó là tâm nguyện mà các hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh xem như là nhiệm vụ chính trong công tác của Hội suốt hơn 7 năm qua từ ngày thành lập Hội đến nay. Những cựu TNXP còn sống, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn cố lên đường, để mong tìm và đưa hài cốt đồng đội đã hy sinh về với gia đình.
Mười năm qua kể từ ngày nghỉ hưu, đều đặn mỗi năm, ông Trần Đình Tạo, 70 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, vốn là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội CD5, đều dành vài tháng rong ruổi khắp các chiến trường xưa để tìm đồng đội.
Người lính dày dạn trận mạc là ông, bị thương cụt một cánh tay mà vẫn kiên cường, thì nay lại rưng rưng khi nhớ về đồng đội cũ. Ông Tạo kể: “Những năm đầu bắt tay vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ TNXP (lúc này ông Tạo là Phó Ban liên lạc cựu TNXP tỉnh - PV), khó khăn nhất là khâu liên hệ với người trực tiếp chôn cất, bởi sau chiến tranh người còn, kẻ mất, hoặc sinh sống ở nhiều nơi khác nhau; kế đến là vẽ sơ đồ xác định vị trí đồng đội hy sinh, gắn với những dấu vết khi chôn. Rồi khâu đi tìm người thân của đồng đội cũng chẳng hề dễ dàng do thất lạc giấy tờ, di chuyển nơi ở”.
Đưa anh về với gia đình Mở đầu cho chuyến đi
tìm mộ đồng đội là năm 2005, ông Trần Đình Tạo một thân một mình lặn lội đi tìm gia đình của liệt sĩ Trần Cừ, quê ở Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, để đề nghị cùng đi đến thôn Hiệp Luông, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát tìm mộ liệt sĩ. Liệt sĩ Trần Cừ vốn là bộ đội cảnh vệ, trong chuyến đi gom góp lương thực, thực phẩm,
thuốc men cùng ông Tạo thì bị địch phục kích hy sinh. Sau nhiều lần đi khảo sát tại chân đèo Ngụy (Cát Lâm, Phù Cát), ông Tạo cùng gia đình đã tìm chính xác chỗ chôn cất liệt sĩ Trần Cừ.
Khi hài cốt liệt sĩ Trần Cừ được tìm thấy rồi đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở quê làm lễ truy điệu, người mẹ già đã 83 tuổi của liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Sáu quỳ sụp xuống lạy ông Tạo. Ông bất ngờ rồi nhanh chân quỳ xuống đỡ mẹ dậy trong niềm xúc động. Ông Trần Như, em trai của liệt sĩ Trần Cừ, kể: “Cả cuộc đời mẹ ray rứt vì không tìm được phần mộ của anh tôi. Dù chúng tôi lo cho mẹ chu đáo bao nhiêu, mẹ cũng khóc và bảo, phải tìm được mộ anh thì mẹ mới nhắm mắt được”.
Gia đình liệt sĩ đã vất vả ngược xuôi khắp mọi nơi nhưng manh mối tìm ra mộ rất hiếm hoi. Bất ngờ, ông Tạo đến tận nhà đề nghị gia đình cùng đi tìm mộ anh và đưa về quê truy điệu. Từ năm 2006, tìm được mộ con trai, mẹ Sáu như khỏe hơn. Hàng ngày, mẹ lo lau dọn bàn thờ chồng, cũng là liệt sĩ, và con rồi thắp nhang. Có hôm, bà say sưa ngồi trò chuyện với con trai qua di ảnh cho thỏa nỗi nhớ gần 40 năm xa cách.
Còn ông Nguyễn Duy Nghĩa, cháu của liệt sĩ Hoàng Khánh Phụng, đã không quản công sức, bỏ tiền của thuê vài nhà ngoại cảm đi tìm mộ cậu mình mà vô vọng. Tình cờ, một lần ông ghé vào Huyện đoàn Hoài Ân, thấy thông tin ông Tạo gởi đăng nhờ tìm giúp thân nhân liệt sĩ mà tên họ và quê quán y như cậu mình, ông Nghĩa đã bật khóc và gọi điện ngay cho ông Tạo. Ông Nghĩa kể: “Khi đi hoạt động cách mạng, cậu tôi lấy bí danh là Hoàng Khánh Phụng nên dù là Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP tỉnh nhưng gia đình chỉ đi tìm với tên cúng cơm là Nguyễn Đình Khóa nên mãi vẫn không tìm thấy”.
Hơn 40 năm trôi qua, nhiều cựu TNXP vẫn nhớ như in ngày đồng đội mình đã anh dũng hy sinh. Năm 2011, Hội Cựu TNXP tỉnh đi tìm mộ liệt sĩ Cao Thị Hận, quê ở thôn Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn. Chị Hận là y tá, hy sinh trong một trận càn của giặc khi mới 18 tuổi. Gần 40 năm sau, đồng đội mới có điều kiện tìm hài cốt chị ở núi Thuận Phong, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát và đưa về quê, thỏa lòng mong mỏi của gia đình. Người mẹ già của chị khi đó đã 103 tuổi, đau yếu nằm một chỗ, vậy mà ngày đưa con về nghĩa trang liệt sĩ xã, mẹ bật dậy từ sớm, đòi mặc bộ quần áo tinh tươm nhất ra thắp nhang cho con.
Canh cánh một nỗi niềm
Với những người lính TNXP năm xưa, việc tìm kiếm mộ đồng đội có biết bao niềm vui, nỗi buồn và cả những điều kỳ lạ, khó có thể giải thích được. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh kể rằng, dẫu biết rằng cảnh vật, địa hình nay đã thay đổi nhiều khiến việc xác định mộ phần khó trăm bề, thế nhưng khi nghĩ đến đồng đội còn nằm lại lạnh lẽo nơi chiến trường xưa, lòng bà cứ quặn đau. Từ năm 2005 đến nay, sau gần chục lần khảo sát, Hội cựu TNXP tỉnh đã tìm được hài cốt của 5 liệt sĩ và đề nghị công nhận liệt sĩ cho một đồng đội của mình. Mới đây thôi, Hội Cựu TNXP tỉnh vừa hoàn thành việc khảo sát và thống kê danh sách 60 cựu TNXP của tỉnh hy sinh chưa tìm được hài cốt.
Những chuyến đi tìm đồng đội đều báo trước bao gian khổ, nguy hiểm khôn lường, nhưng các cựu TNXP dẫu tuổi cao sức yếu vẫn quyết tâm lên đường. Mỗi chuyến đi, vợ của ông Tạo đều chuẩn bị sẵn sàng cơm vắt muối đậu dành cho các thành viên trong đoàn để ăn, và không thể thiếu phần cơm cúng và quả trứng cùng nhang đèn cẩn thận. Đến mỗi nơi, ông Tạo đều nhờ hoặc thuê một người dân địa phương rành đường nhất dẫn đường. Ấy vậy mà không phải chuyến đi nào cũng suôn sẻ. Đó là lần đoàn cựu TNXP tỉnh hơn 10 người tổ chức chuyến đi tìm đồng đội hy sinh ở núi Tà Lang, huyện Vĩnh Thạnh. Khi đoàn đang vượt sông Kôn, chẳng may đò bị thủng, nên buộc chuyển sang đi bè. Gặp lúc nước đổ về quá lớn, bè lật khiến ông Võ Văn Chiến, cựu TNXP bị chìm vì không biết bơi. Vậy là người bơi giỏi nhất trong nhóm là ông Tạo, vốn chỉ còn một tay, vội nhảy xuống cứu đồng đội rồi vật lộn với dòng nước lũ để đưa từng người trong đoàn lên lại bè qua sông. Sau lần “chết hụt” của đồng đội, ông Tạo, lúc đó là Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh, vẫn canh cánh nỗi niềm vì 4 đồng đội vẫn còn nằm lại nơi đó vẫn chưa được tìm thấy do địa hình đã thay đổi quá nhiều.
Tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu, đáng ra phải được nghỉ ngơi, an nhàn, vậy điều gì đã khiến những người cựu TNXP năm xưa, như ông Tạo, bà Nga, ông Trương Thanh Kha, ông Hoàng Tiếu, ông Võ Văn Chiến…, xung phong đi tìm đồng đội. Chị Nguyễn Thị Loan, cháu của liệt sĩ Chế Thị Trọng, ở thôn An Quý Bắc, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, vừa tìm được hài cốt người dì liệt sĩ của mình, đã tìm thấy câu trả lời cho mình: “Tôi vốn là người ở quê, lại buôn bán cả ngày nên tự tin mình đủ sức khỏe để tham gia chuyến hành trình tìm dì. Vậy mà, tôi phải cố gắng hết sức mới theo kịp các cô chú trên những cung đường núi rừng hiểm trở, dốc đá quanh co. Có lẽ, chỉ có sức mạnh của tình đồng đội, cùng niềm tin sắt đá, các cô chú mới có thể đi khảo sát và dẫn gia đình đi đưa người thân mình về quê”.
Và cứ thế, cùng với việc tự góp tiền thuê xe, lo ăn ở để đi tìm thông tin về đồng đội, đi tìm mộ liệt sĩ TNXP, Hội Cựu TNXP tỉnh cũng đã kêu gọi, vận động các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ; làm chế độ thương binh và chế độ cho nạn nhân chất độc da cam cho cựu TNXP...
Tấm lòng của các cựu TNXP, Hội Cựu TNXP tỉnh dành cho đồng đội của mình thật đáng trân trọng. Họ đang mong mỏi UBND tỉnh phê duyệt tờ trình cho phép Hội được thành lập đội đi tìm kiếm, quy tập hơn 60 đồng đội của mình đã hy sinh vẫn còn nằm lại nơi chiến trường mà họ vừa thống kê, tổng hợp, vẽ sơ đồ.
HẢI YẾN
Các anh chị cựu TNXP Tỉnh đã tạo điều kiện giúp đỡ truy tìm hài cốt liệt sỹ .Một việc làm rất trân trọng đáng biểu dương. Nhưng nhớ dùm không nghe,tin theo bùa chú,bói toán và nhất là các nhà ngoại cảm.