Bình Định tập trung khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Uỷ ban Châu Âu
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp mạnh khắc phục thẻ vàng thủy sản của EC. Các giải này bước đầu phát huy hiệu quả.
Để khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Uỷ ban Châu Âu (gọi tắt là EC), tỉnh Bình Định thực hiện nhiều giải pháp mạnh đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm. Các tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài sẽ bị tước bằng thuyền trưởng và cấm hành nghề khai thác, không xét duyệt hỗ trợ theo các quy định của Chính phủ đối với các chủ tàu vi phạm, đưa ra kiểm điểm trước dân. Lãnh đạo các địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm phải chịu trách nhiệm, không xem xét thi đua, khen thưởng và bị phê bình, khiển trách…
Ông Nguyễn Thanh Hồng, ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, có con là chủ tàu khai thác xa bờ cho biết: “Bản thân tôi động viên con cháu không xâm phạm lãnh hải nước ngoài, luôn có thông tin trực tiếp về các trạm bờ. Ngoài quy định của Nhà nước, đi ra, đi vô phải có đầy đủ thủ tục như nhật ký đánh bắt. Tôi thấy vấn đề này rất xác đáng, mỗi ngư dân phải nên thực hiện”.
Theo quy định mới, hải sản đánh bắt phải ghi nhận ký, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc đánh bắt
Còn ông Nguyễn Chi, chủ tàu BĐ 99068 - TS ở TP Quy Nhơn cho hay: “Chi cục đã phổ biến hết cho ngư dân, những gì liên quan tới thẻ vàng của Châu Âu, mình phải thực hiện. Nếu không thực hiện những quyền lợi Nhà nước hỗ trợ sẽ không được hưởng”.
Đầu tháng 11 vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban nghề cá Nghị viện Châu Âu do Nghị sĩ Gabriel Mato Adrover làm Trưởng Đoàn đã đến Bình Định tìm hiểu về tình hình chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) khuyến nghị của EC. Nghị sĩ Gabriel Mato Adrover đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bình Định trong thực hiện chống khai thác IUU và khuyến nghị của EC, đồng thời cho biết sẽ thông tin về những nỗ lực này để EC sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Theo Nghị sĩ Gabriel Mato Adrover, “cuộc chiến” chống khai thác IUU cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các bên trong giám sát, kiểm tra hoạt động khai thác, thu mua, chế biến thủy sản.
“Ngư dân là những đối tượng chính thực hiện tham gia đánh bắt và chính họ mới là người đảm bảo tuân thủ những quy định chúng ta đề ra. Nên đầu tiên và trên hết chúng ta thuyết phục được để ngư dân tuân thủ những quy định về pháp luật”, Nghị sĩ Gabriel Mato Adrover nhấn mạnh.
Lâu nay, nghề khai thác thủy sản ở tỉnh Bình Định nói riêng và các địa phương ven biển nói chung hầu hết là hoạt động khai thác tự phát. Khi EC rút thẻ vàng cảnh cáo và đưa ra các khuyến nghị khắc phục thì ngành chức năng và ngư dân trở tay không kịp. Trong các vấn đề Ủy ban Châu Âu lưu ý như hải sản đánh bắt phải ghi rõ nguồn gốc; thông báo cho cảng cá 1 giờ trước khi cập cảng hay ghi sổ nhật ký khai thác thì đa số ngư dân chưa quen việc này. Mặt khác, hạ tầng các cảng cá, vấn đề đảm bảo vệ sinh, nguồn nước rửa hải sản sau đánh bắt cũng chưa được đầu tư hợp lý...
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện có hơn 2.100 tàu có công suất trên 90CV hoạt động khai thác xa bờ với hàng nghìn gia đình, lao động có cuộc sống, lợi ích gắn liền với khai thác thủy sản. Cảng cá Tam Quan dù được quy hoạch là khu neo đậu cấp vùng nhưng chưa được đầu tư tương xứng. Luồng lạch ra vào cảng thường xuyên bị bồi lấp. Điều này dẫn tới việc ngư dân bị tắc đường khi muốn về cảng cá địa phương.
“Huyện cũng đang kiến nghị với tỉnh để tỉnh kiến nghị với trung ương đầu tư hạ tầng Cảng Tam Quan để đáp ứng được yêu cầu ra vào cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá, neo đậu tránh trú bão. Bữa nay cảng cá Tam Quan được quy hoạch khu neo đậu cấp vùng nhưng chưa được đầu tư 1 cách cơ bản”, ông Nguyễn Chí Công nói.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cấp các trạm bờ để tiếp nhận thông tin tàu khai thác báo về 2 giờ 1 lần. Đối với khoảng 600 tàu cá chưa nâng cấp máy HF VX -1.700, tiếp tục vận động và có giải pháp phù hợp giúp ngư dân lắp đặt đầy đủ và nhắn tin theo đúng quy định của Luật Thủy sản.
“Hiện nay số lượng hơn 600 chiếc chưa lắp đặt chủ yếu là hoạt động gần bờ nên chưa lắp đặt. Sắp tới khi Luật Thủy sản có hiệu lực, các tàu trên 15m đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi phối hợp với địa phương tuyên truyền để tất cả đều lắp đặt đầy đủ khi hoạt động trên biển”, ông Trần Văn Phúc cho biết thêm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Châu Âu là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị xuất khẩu dao động trong khoảng 350 – 400 triệu USD mỗi năm. Kể từ khi EU đưa ra cảnh báo thẻ vàng IUU đối với Việt Nam, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU có chiều hướng giảm liên tục. Hiện tại, thị phần của EU giảm xuống còn 15-20% tổng giá trị xuất khẩu hải sản của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành, ngư dân chính là những người quyết định sự phát triển bền vững của nghề khai thác thủy sản, duy trì nguồn lợi thủy sản và đảm bảo sinh kế cho những thế hệ tiếp theo./.
Theo Xuân Nguyên (VOV-Miền Trung)