Giữ gìn hình ảnh người thầy
Từ một số vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo gần đây ở tỉnh, thành khác, Sở GD&ÐT đã chỉ đạo tất cả cán bộ, giáo viên trong tỉnh tuyệt đối không có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.
Những hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Nguyễn Huệ giúp thầy - trò xích lại gần nhau hơn; nhờ đó học sinh cởi mở, chia sẻ khó khăn của mình với thầy cô.
Đã gần 5 năm kể từ sau vụ việc một thầy giáo của trường đánh học sinh và bị buộc thôi việc, Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn) đã nỗ lực rất nhiều để lấy lại sự tin yêu của phụ huynh và học sinh. Đến thăm ngôi trường rợp bóng cây xanh ấy, nhiều người ấn tượng với hòm thư góp ý đặt ở cầu thang nơi học sinh thường xuyên qua lại và cánh cửa phòng hiệu trưởng luôn rộng mở.
Nhìn từng tốp học sinh vui vẻ cười đùa trong giờ ra chơi, các giáo viên tỏ ra an tâm bởi mối quan hệ thầy - trò giờ đã đủ gần để các em thoải mái chia sẻ khó khăn của mình. Mấy năm qua, nhà trường đã loại dần cách dạy học một chiều, thay bằng môi trường học tập cởi mở giữa thầy và trò cùng một số hoạt động ngoại khóa giúp phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Giáo viên của trường cũng giảm hẳn lối ứng xử cảm tính, áp đặt với học sinh. Chị Nguyễn Thị Thúy Vân, Bí thư Đoàn trường, nhận xét: Phần lớn học sinh đã mạnh dạn đề đạt nguyện vọng của mình và trong mọi trường hợp, các em luôn được lắng nghe và giải quyết thỏa đáng nhất.
Một ví dụ khác về trường học có “tì vết” trong quan hệ thầy trò - Trường THCS Cát Tài (huyện Phù Cát). Ở trường này từng có việc một thầy giáo thực hiện những hình phạt hà khắc, trái quy định của ngành GD&ĐT với học trò mình, sau đó bị chuyển sang làm công tác khác trong trường. Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, sau “quả đắng” ấy, với sự hỗ trợ chân thành của nhiều đồng nghiệp và cả một số phụ huynh, người thầy ấy đã thay đổi, được xét lao động tiên tiến hàng năm. Theo kết quả khảo sát, thăm dò ý kiến phụ huynh, học sinh từng năm học, thầy đã dần lấy lại hình ảnh của mình.
Nhân “chuyện mới” của tỉnh bạn, nhắc lại “chuyện cũ” của mình để thấy việc vi phạm đạo đức nhà giáo không bao giờ được chấp nhận. Ở góc độ tâm lý học, ThS Nguyễn Thị Thùy Trang, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn, nhận định: Vấn đề đạo đức nhà giáo và ứng xử đúng quy tắc sư phạm phải luôn được coi trọng và rèn luyện thường xuyên, đó là một đặc thù quan trọng của nghề. Một người khi đã chọn theo nghề giáo thì bản thân phải luôn học hỏi, trau dồi để thích ứng với sự phát triển của nghề, đòi hỏi của xã hội.
Đề cập đến nguyên nhân “bị áp lực”, vốn vẫn thường được viện dẫn cho những hành vi mất kiểm soát của thầy cô giáo, dẫn đến vi phạm đạo đức, khá bất ngờ là rất nhiều giáo viên tỏ ra không đồng tình. Bởi theo họ, nghề nào cũng có áp lực riêng, và khi đã chọn nghề giáo thì mỗi giáo viên buộc phải chấp nhận những tình huống “áp lực” ấy.
Cô giáo Trần Thị Kiều Hạnh (Trường THPT Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn) bày tỏ: Mỗi ngày, hàng triệu thầy cô giáo trong ngành đang nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ “trồng người” của mình. Bởi vậy việc giáo viên nào đó biện minh rằng hành vi phản sư phạm của mình là do phải chịu nhiều thứ áp lực thì không thể chấp nhận được. Thầy cô không thể “đổ” những áp lực đó lên học sinh để giải tỏa bức xúc của cá nhân”.
Những vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, dù không xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định nhưng rõ ràng qua các phương tiện truyền thông, đã khiến không ít phụ huynh hồ nghi, lo lắng. Với nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành GD&ĐT tỉnh đang nỗ lực rà soát, nhắc nhở cán bộ, giáo viên trong ngành, quyết tâm không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, trao đổi: “Tôi đã yêu cầu các trường phải khắc phục tình trạng quản lý giáo dục “uy quyền”, áp đặt đối với học sinh. Mỗi giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát nền nếp, kỷ cương trường học, đạo đức nhà giáo và xử nghiêm người vi phạm cùng người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vụ vi phạm”.
Ông Tuấn cho biết thêm, Sở đã yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, có giải pháp phù hợp để thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đào tạo, đặc biệt Nghị định 80 của Chính phủ về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Các phòng GD&ĐT phải quán triệt, triển khai nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo đến tất cả cán bộ, giáo viên và tổ chức tập huấn cách nhận diện, phòng ngừa những tình huống, nguy cơ dẫn đến vi phạm đạo đức, hỗ trợ tâm lý cho giáo viên và người học khi có tình huống xảy ra. Về phía cán bộ, giáo viên, người đứng đầu ngành GD&ĐT tỉnh yêu cầu tất cả phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự của người thầy.
NGỌC TÚ