Kết hợp nhuần nhuyễn vườn - rừng
Năm 1996, HTXNN Cát Lâm (huyện Phù Cát) bán thanh lý một số diện tích điều kém hiệu quả, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thông (ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm) đã vay mượn hơn 11 triệu đồng mua lại 5 ha đất đồi gò cằn cỗi với 230 gốc điều kém hiệu quả. Mua được vườn điều, vợ chồng chị tích cực dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, học hỏi những mô hình sản xuất có hiệu quả, nhanh chóng ứng dụng vào việc cải tạo vườn điều, thâm canh tăng năng suất. Một thời gian sau, vườn điều cằn cỗi đã xanh tốt trở lại, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Diện tích rừng trồng đang phát triển tốt.
Một thời gian sau, nhận thấy vườn điều đã quá cỗi, nhiễm bệnh nặng, hiệu quả kinh tế thấp, vợ chồng chị Thông phá bỏ để chuyển sang trồng dưa hấu kết hợp đậu phụng, đậu nành, bắp lai… Trên một số thửa, vợ chồng chị trồng dừa xiêm, xoài cát Hòa Lộc, bưởi, lúc cây chưa khép tán chị tranh thủ trồng xen mì. Nhờ thực hiện cơ cấu mùa vụ linh hoạt, theo dõi kịp thời nhu cầu thị trường, chịu khó cập nhật kỹ thuật canh tác mới, cả hoa màu và cây lâu năm của gia đình chị phát triển tốt.
Khoảng năm 2000, gia đình chị chặt bỏ phần điều còn lại để đầu tư trồng keo lai và bạch đàn. Nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích rừng trồng của gia đình phát triển tốt và sau mỗi chu kỳ 5 - 7 năm cho thu hoạch một lần với lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha.
Canh tác đậu phụng khi vườn rừng chưa khép tán, cho thu nhập đáng kể.
Có vốn tích lũy, vợ chồng chị Thông đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất và mua thêm 1,5 ha đất để trồng rừng, nâng tổng diện tích đất trồng rừng của gia đình đến nay lên 6,5 ha và tất cả đều đã cho thu hoạch từ 2 đến 3 lứa. Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, gia đình chị còn nuôi 9 con bò, vừa có nguồn phân chuồng bón cho cây trồng, vừa thu được mỗi năm hơn 30 triệu đồng tiền bán bê con.
Mỗi thứ góp một ít, tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình chị Thông mỗi năm cũng được hơn 150 triệu đồng. Không những làm kinh tế giỏi, chị Thông còn tham gia tích cực các phong trào và hoạt động xã hội ở địa phương. Đã có nhiều người đến mô hình sản xuất của gia đình chị học tập và đều được nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn.
TRƯỜNG GIANG