Tập huấn nghiệp vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
(BĐ) - Ngày 20.12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MC, MCLT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hình thức trực tuyến đến đầu cầu 63 tỉnh, thành phố.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo thực chất trong cải cách hành chính thực hiện cơ chế MC, MCLT. “Mục tiêu là lấy sự hài lòng của người dân, DN, tổ chức, cá nhân để đánh giá hiệu quả trong công tác cải cách”, Bộ trưởng nói.
Hiện nay, đã có 57/63 tỉnh, thành phố chuyển nhiệm vụ MC, MCLT từ Sở Tư pháp, Sở Nội vụ về về Văn phòng UBND cấp tỉnh (trong đó có Bình Định). Có 39/63 địa phương có trung tâm hành chính công cấp tỉnh; trong đó, nhiều địa phương thực hiện tốt, tỉ lệ dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 rất cao, liên thông từ tỉnh, huyện đến xã, giúp người dân thay vì trước đây phải gặp trực tiếp cán bộ thực thi công vụ, nay chỉ cần khai báo, nộp hồ sơ, nhận kết quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế MC, MCLT trong giải quyết TTHC, thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này; Chỉ thị số 30/CT-TTg về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Theo đó, việc giải quyết TTHC theo cơ chế MC, MCLT được quản lý tập trung, thống nhất. Bên cạnh đó, giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; không làm phát sinh chi phí thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.
MAI LÂM