Nỗi niềm tuồng không chuyên
Hiện tại, Bình Ðịnh có 9 đoàn tuồng không chuyên, tuy nhiên hầu hết các đoàn chưa làm được khâu đào tạo thế hệ kế cận, trong khi diễn viên của các đoàn dần lớn tuổi, ảnh hưởng không ít đến hoạt động của đoàn tuồng.
Hội diễn tuồng không chuyên toàn quốc tại Bình Định diễn ra vào tháng 7.2018 vừa qua.
Trước đó, Hoài Nhơn là cái nôi của nghệ thuật tuồng truyền thống xuất phát từ danh nhân, sơ tổ Đào Duy Từ. Sau năm 1975, Hoài Nhơn có một đoàn tại thôn Trường Lâm (xã Hoài Thanh). Ít lâu sau ở xã Hoài Đức, Hoài Hương cũng có đoàn tuồng nhưng dần dần tan rã. Năm 2001, ông Hoàng Thao (người gốc An Nhơn), quyết định về quê vợ ở thôn Trường An 1, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn quy tụ những anh em nghệ sĩ chân đất ở đó thành lập đoàn tuồng không chuyên Trường An 1. Đoàn tuồng thành lập không chỉ là niềm vui của người nghệ sĩ mà còn là niềm vui chung của toàn huyện. Đoàn hoạt động suôn sẻ được hơn 10 năm thì Trưởng đoàn Hoàng Thao qua đời, đoàn Trường An 1 tan rã trong tiếc nuối của nhiều người.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH - TT&TT huyện Hoài Nhơn không khỏi bùi ngùi: “Từ đó, những nghệ sĩ của đoàn Trường An 1 đầu quân cho nhiều đoàn khác, họ vẫn hát, vẫn theo nghiệp tuồng chỉ là không còn phiên hiệu “Trường An 1”. Hoài Nhơn mất đi đoàn tuồng cuối cùng của mình như vậy!”.
Vai trò, trách nhiệm của người trưởng đoàn của tuồng không chuyên rất quan trọng, họ chính là người chèo lái đoàn tuồng, họ bôn ba khắp nơi để làm công tác ngoại giao, ký hợp đồng, dẫn đoàn đi biểu diễn. Cho nên có thể xem trưởng đoàn vừa là bộ não, vừa là buồng phổi lại vừa là trái tim của đoàn tuồng không chuyên.
Theo nghệ sĩ Minh Lưỡng (Trưởng Đoàn tuồng không chuyên Nhơn Hưng, TX An Nhơn), đoàn Nhơn Hưng thường đi biểu diễn ở các tỉnh bạn nên ngoài việc ký hợp đồng dẫn đoàn đi biểu diễn, trưởng đoàn còn phải giỏi ngoại giao để đoàn biểu diễn được suôn sẻ, hòa hợp với người dân địa phương.
Vì những lẽ như vậy, việc trưởng đoàn đau ốm, qua đời ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đoàn tuồng. Năm 2015, nghệ sĩ Công Lễ qua đời, đoàn tuồng không chuyên Ánh Dương (huyện Tuy Phước) không chỉ mất đi một kép trụ cột. Đang cầm cự thì tháng 9 vừa qua, đoàn Ánh Dương lại đón nhận thêm tin buồn, Trưởng đoàn, nghệ sĩ Bảo Hiến qua đời vì bạo bệnh. Trước đó, ở Hội diễn tuồng không chuyên toàn quốc do Cục Văn hóa cơ sở, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào tháng 7.2018, dù Hội diễn diễn ra ngay trên sân nhà nhưng đoàn Ánh Dương vẫn không tham gia được. Kể ra như vậy để thấy đoàn khó khăn đến mức nào.
Gặp Nghệ nhân ưu tú Thu Hường (đoàn Ánh Dương, vợ nghệ sĩ Bảo Hiến) vào ngày bà quyết định nhận lãnh trách nhiệm trưởng đoàn, chuẩn bị đưa Ánh Dương sáng soi trở lại, bà chia sẻ: “Đoàn Ánh Dương liên tục chịu nhiều mất mát to lớn, tôi đã có ý định buông xuôi, mấy tháng nay đoàn im hơi lặng tiếng, cả Hội diễn tuồng không chuyên toàn quốc, nơi có cơ hội giao lưu, trình diễn đoàn cũng không tham gia được. Nhưng nhờ sự ủng hộ, động viên của anh em nghệ sĩ trong và ngoài đoàn, hôm nay (ngày 19.12) tôi mới bắt đầu đi ký tờ (hợp đồng biểu diễn) lại. Tôi bắt đầu ở những nơi thân quen trước, may là mọi thứ suôn sẻ. Tôi biết đoàn sẽ không còn được như trước nhưng phải cố gắng vì danh tiếng đoàn đã gây dựng được trước giờ. Tuổi đã lớn mà mọi thứ đối với tôi như bắt đầu lại từ đầu, thật sự khó khăn. Nhưng nghiệp tuồng vận vào mình, không thể lơi lòng”.
Cùng với đó, việc thiếu kép nam cũng gây khó khăn không ít cho hoạt động nhiều đoàn, kể cả đoàn tìm được thế hệ kế cận. Theo nghệ sĩ Minh Lưỡng, đoàn Nhơn Hưng đào tạo được 2 nghệ sĩ trẻ kế cận là Kiều My và Diễm Thy. Hai bạn trẻ này khá triển vọng, tuy nhiên dù cố gắng nhưng đoàn không tìm được kép nam trẻ để diễn cùng. Nên dù muốn để các bạn thể nghiệm ở vai đào chính cũng khó.
THẢO KHUY