TP Quy Nhơn nên có đường mang tên danh họa Nguyễn Ðỗ Cung
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song việc đặt tên đường ở TP Quy Nhơn vẫn còn hạn chế, bất cập. Trong đó, có việc thẩm định, lựa chọn danh nhân, chọn vị trí để đặt tên đường và ghi bảng hiệu tên đường. Trong khi một số danh nhân, văn nghệ sĩ khá nổi tiếng quê Bình Định hoặc từng gắn bó với Bình Định chưa được đặt tên đường, thì Quy Nhơn lại có đường Bùi Xuân Phái (!?)
Nhân bàn đến tên đường mang tên họa sĩ Bùi Xuân Phái, xin nói đến tên tuổi một danh họa từng gắn bó với vùng đất Bình Định, đó là Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977) - một danh họa, nhà nghiên cứu tầm cỡ của Việt Nam. Theo đó, ngay từ khi còn là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1929-1934), Nguyễn Đỗ Cung đã nổi tiếng với những bài nghiên cứu về mỹ thuật (đăng trên các báo, tạp chí: Hà Nội báo, Thanh Nghị, Xuân Thu nhã tập, Ngày nay), nhất là hoạt động tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương tại trường (1930)…
Sau năm 1945, Nguyễn Đỗ Cung trở thành đại biểu Quốc hội khóa I (1946) và vinh dự là 1 trong 3 họa sĩ được vào Phủ Chủ tịch vẽ chân dung Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tháng 11.1946, ông được cử vào công tác tại Liên khu 5 với cương vị Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu 5. Tại đây, cùng với họa sĩ Văn Giáo, ông đã tổ chức triển lãm tranh và được đồng chí Phạm Văn Đồng (bấy giờ là đại diện Chính phủ Trung ương ở miền Nam Trung bộ) ghi nhận là “Chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa”… Tháng 7.1949, Nguyễn Đỗ Cung được điều động ra Việt Bắc. Kể từ đó, ông tham gia khá nhiều sự kiện của đất nước, như: Chiến dịch Biên Giới (1950); dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên quốc tế ở Berlin (1951); tham gia đoàn quân chiến thắng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô (1954); tham gia Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957); tham gia thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam...
Riêng đối với Bình Định, danh họa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung cũng đã để lại khá nhiều dấu ấn. Năm 1947, Nguyễn Đỗ Cung lên đường “Nam tiến” và nhận công tác tại Ủy ban Kháng chiến Liên khu 5. Trụ sở của Ủy ban khi đó đóng tại đình Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân (sau năm 1975 trở thành trụ sở HTXNN Ân Thạnh). Tại đây, vào tháng 1.1948 đã ra đời “Lớp hội họa kháng chiến” (còn gọi là lớp hội họa Nguyễn Đỗ Cung). Theo ghi nhận của Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Lớp hội họa Nguyễn Đỗ Cung là một mô hình đào tạo mỹ thuật độc đáo.
Đáng lưu ý, cũng trong giai đoạn này, danh họa Nguyễn Đỗ Cung đã vẽ khá nhiều tranh, trong đó có những tác phẩm in đậm “dấu ấn Bình Định”. Theo thống kê, cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp mỹ thuật của danh họa Nguyễn Đỗ Cung có 72 tác phẩm hội họa và ký họa còn được lưu giữ; trong đó có trên 1/2 số tác phẩm được “khai sinh” từ vùng đất Nam Trung bộ. Đồng thời, trong số 17 tác phẩm của danh họa Nguyễn Đỗ Cung được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có hơn 2/3 tác phẩm được ông vẽ trong thời gian hoạt động tại địa bàn Nam Trung bộ. Đặc biệt, trong số này có hàng chục tác phẩm họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tại địa bàn tỉnh Bình Định, như: Anh bộ đội Trung Lương; Cảnh phá hoại ở Bồng Sơn (Hoài Nhơn); Bồng Sơn chiến đấu; Bưu điện Bình Định; Cảnh phá hoại ở Phú Phong; Mặt trận An Khê; Cảnh nông thôn Trung Lương…
Với những thành quả nêu trên, thiết nghĩ, việc chọn tên danh họa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung để đặt tên đường tại TP Quy Nhơn là việc rất nên làm. Đó không chỉ là việc làm mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, mà còn là sự thể hiện tình cảm của người Bình Định đối với một danh họa, nhà nghiên cứu đã từng gắn bó với miền “Đất võ - trời văn”.
Viết Hiền