Khôi phục sản xuất, ổn định đời sống
Bên cạnh việc giúp dân ổn định cuộc sống, ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người dân cũng đã nỗ lực sửa chữa, khắc phục hệ thống thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng, khôi phục diện tích đất bị sa bồi thủy phá, điểm nổi bật trong những ngày qua là sự chủ động trong triển khai sản xuất vụ Ðông Xuân, đưa các hoạt động đời sống nhanh chóng trở lại bình thường.
Trở lại vùng lũ lụt
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: UBND huyện chỉ đạo các địa phương vận động nông dân cải tạo lại diện tích lúa bị mất và diện tích đất bị sa bồi thủy phá nhẹ để gieo sạ lại; những diện tích đất bị đất cát lấp bồi nhiều, huy động máy móc hỗ trợ dân cải tạo để đưa vào sản xuất cho kịp thời vụ. Bên cạnh đó, sửa chữa tạm các tuyến kênh mương bị mưa lũ làm hư hỏng để tưới tiêu. UBND huyện cũng đã xuất cấp 240 tấn lúa giống cho nông dân 15 xã, thị trấn gieo sạ vụ Đông Xuân (ĐX); tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ có người thân bị chết. Đối với những hộ có nhà sập và hư hỏng, động viên người dân nỗ lực khắc phục khó khăn, tỉnh huyện sẽ hỗ trợ sau.
Diện tích đất bị sa bồi thủy phá đã được xã Cát Thành thuê cơ giới hỗ trợ nông dân cải tạo.
Trên các cánh đồng ở xã Cát Thành, nông dân địa phương đã tập trung ra đồng để khắc phục lại diện tích lúa bị hư hỏng và diện tích đất bị sa bồi thủy phá, không khí lao động rất khẩn trương. Ông Trương Văn Minh, ở thôn Chánh Thiện cho hay: Gia đình có 4 sào ruộng mới gieo sạ đã bị đất cát lấp đầy, trong đó có 3 sào phải thuê cơ giới xúc đất đưa đi đổ và đã gieo sạ lại. Còn 1 sào đang thuê người làm thủ công, dự kiến một vài ngày tới sẽ xong. Tổng chi phí cải tạo lại ruộng đồng trên 3 triệu đồng. Dù kinh tế khó khăn, nhưng mùa vụ gần kết thúc, nên mình phải tự nỗ lực để khắc phục.
* Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt mưa lũ từ ngày 8 - 17.12 đã làm 7 người chết; 10.149 ngôi nhà dân ở 82 xã, phường, thị trấn ngập sâu trong nước, trong đó có 7 ngôi nhà bị sập; 9 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng. Các tuyến đường quốc lộ ngang qua địa bàn tỉnh và các tuyến đường tỉnh lộ bị mưa lũ làm sạt lở nhiều điểm; 22 cầu, 70 cống trên các tuyến đường bị xói lở. Mưa lũ còn làm cho 9,16 km đê kè và 78,8 km kênh mương bị sạt lở; 8.168 ha lúa bị ngập và hư hỏng giống, 391 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá. Tổng thiệt hại ước tính 457 tỉ đồng.
MINH HẰNG
* Ông Ðào Ðức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết, trong đợt lũ lụt vừa qua, nhờ chuẩn bị chu đáo cho các trường hợp bất ngờ, ngành GD&ÐT may mắn không bị thiệt hại nhiều. Một số trường bị ngập, sau khi nước rút đã tích cực dọn dẹp và tổ chức dạy học lại bình thường. Dù vậy, một số địa phương rải rác vẫn có mưa to, Sở đã chỉ đạo các trường không được chủ quan và phải tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, đề ra các giải pháp phòng tránh mưa lũ hiệu quả, trong đó chú trọng đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Kiểm tra kỹ lưỡng cơ sở vật chất và đặt biển cảnh báo, rào cách ly những địa điểm trong khuôn viên trường thiếu an toàn, có nguy cơ đổ sập.
NGỌC TÚ
Ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết: Đợt lũ vừa qua lượng mưa dọc núi Bà quá lớn, cấp tập đổ dồn xuống suối Chánh Thắng cuốn phăng chiếc cầu bê tông cốt thép Nước Giáp và mố cầu Chánh Thắng, thuộc địa bàn thôn Chánh Thắng. Cả trụ sở UBND xã và nhà 1.120 hộ dân ngập sâu trong nước, ruộng vườn hoa màu thiệt hại rất nhiều. Sau lũ xã đã vận động người dân cải tạo lại ruộng đồng để gieo sạ lại; những diện tích đất sa bồi nặng, xã trích ngân sách thuê phương tiện, máy móc hỗ trợ người dân khắc phục. UBND xã cũng đã tiếp nhận và cấp phát lúa giống cho người dân sản xuất lại trên diện tích 229 ha, lắp đặt cầu tạm thay mố cầu Chánh Thắng bị nước lũ cuốn trôi để người dân đi lại. Những hạng mục ngoài khả năng của xã, đành phải chờ cấp trên.
Theo UBND huyện Phù Mỹ, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ cũng đã được địa phương triển khai nhiều biện pháp. Ba hộ gia đình ở xã Mỹ Tài, Mỹ Chánh Tây có người thân bị chết do mưa lũ đã được các đoàn công tác của huyện, xã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí để lo mai táng. Các xã cũng đã huy động lực lượng thanh niên, xung kích hỗ trợ các hộ dân có nhà bị sập và hư hỏng dọn dẹp, sửa chữa lại nhà cửa; khắc phục hệ thống kênh mương thủy lợi; cải tạo, khắc phục diện tích đất bị sa bồi thủy phá để đưa vào sản xuất.
UBND huyện cũng đã xuất cấp hỗ trợ cho nông dân 281 tấn lúa giống để nông dân gieo sạ lại 2.520 ha. Bên đám ruộng đầy bùn cát, ông Nguyễn Văn Bốn, ở thôn Lương Thái, xã Mỹ Chánh cho hay: Gia đình tôi đã tu sửa lại nền móng bị mưa lũ làm xói lở và đang tập trung khôi phục lại 1 sào đất bị mưa lũ làm sa bồi để đưa vào sản xuất. Chừng khoảng 4 ngày nữa, ruộng đất cải tạo xong, tôi sẽ xuống giống.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Phạm Thái Bình cho biết: Xã cũng đã trích ngân sách hỗ trợ khẩn cấp cho hộ bà Trần Thị Thu ở thôn Lương Trung có nhà bị sập do mưa lũ 6 triệu đồng, 20 kg gạo và xem xét cấp một ngôi nhà bạt để bà Thu ở tạm. Bên cạnh đó, tiếp nhận và cấp cho nông dân 21,7 tấn lúa giống để gieo sạ lại. Hiện nay, nông dân đang nỗ lực cải tạo ruộng đồng, xuống giống cho kịp thời vụ. Riêng các tuyến đường dọc theo sông Cạn bị hư hỏng quá nặng, xã đã đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ khắc phục.
Chủ động khắc phục, không trông chờ, ỷ lại
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành đã kiểm tra toàn bộ hệ thống đường giao thông, cầu cống, kênh mương nội đồng, các công trình phục vụ dân sinh… Với những công trình cấp thiết, chính quyền huy động lực lượng tu sửa tạm thời để phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Những ngày qua, Sở NN&PTNT đã tổng hợp tình hình thiệt hại, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ lúa giống, con giống cho những hộ bị thiệt hại nặng. Sở GTVT nhanh chóng tu sửa các tuyến tỉnh lộ bị hư hỏng; chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm sửa chữa các tuyến giao thông do địa phương quản lý. Bộ CHQS tỉnh, CA tỉnh, Tỉnh Đoàn và các hội - đoàn thể huy động lực lượng chiến sĩ, đoàn viên, hội viên hỗ trợ chính quyền và người dân sửa chữa lại nhà cửa, tu bổ, gia cố tạm các đoạn đường giao thông, kênh mương nội đồng, giúp dân cải tạo diện tích đất bị sa bồi thủy phá để đưa vào sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Các ngành chức năng, chính quyền các cấp phải ưu tiên làm sao để ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Đây là nhiệm vụ cấp bách. Để làm được điều này, các địa phương phải phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực, trước mắt phục vụ sản xuất ĐX, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của tỉnh. Tổ chức thật tốt hoạt động cứu trợ, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai. Với các hộ gia đình có người bị chết, bị thương, hộ có nhà bị sập, các huyện phải trích ngân sách hỗ trợ, đồng thời vận động nhân dân hỗ trợ thêm vật liệu, công lao động để xây nhà ở cho bà con bị thiệt hại.
Sản xuất vụ ĐX là vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể ảnh hưởng, tác động đến nhiều lĩnh vực khác nên trong những ngày qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án tưới, vùng tưới thông báo cho các địa phương để chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất, khẩn trương cấp hỗ trợ hơn 58 tấn giống lúa lai cho đồng bào các dân tộc thiểu số để sản xuất. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nguồn lúa giống cấp 1 phục vụ sản xuất vụ ĐX đã được chuyển về các địa phương để hỗ trợ gieo lại khoảng 5.200 ha. Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ cho những hộ dân có đàn gia súc, gia cầm bị mưa lũ cuốn trôi.
* Những ngày qua, Hội CTÐ tỉnh đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ với nhiều hình thức khác nhau tại các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Bà Thái Kim Dung, Chủ tịch Hội CTÐ huyện An Lão, cho biết: “Nhằm hỗ trợ cho bà con nghèo chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhất là các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, ngày 28.12 đến, một số CLB thiện nguyện ở TP Quy Nhơn phối hợp với Hội tặng 200 suất quà cho người dân xã An Dũng. Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, trước đó, các thôn làng đã vận động bà con chằng chống nhà giúp nhau”.
AN PHƯƠNG
*Trong đợt lũ lụt vừa qua, một số xã của huyện Phù Mỹ bị thiệt hại nặng so với các địa phương trong tỉnh. Ông Võ Trí Toại, Ðội trưởng Ðội Y tế Dự phòng huyện Phù Mỹ, cho biết: “Ngay sau khi lũ rút, Ðội Y tế Dự phòng huyện đã đến các điểm mới trải qua ngập nặng hướng dẫn bà con xử lý nguồn nước sinh hoạt, cung cấp Chloramin B, kiểm tra tình hình dịch bệnh. Ðến nay, không có ghi nhận bất thường về các loại dịch bệnh trên địa bàn, kể cả số ca sốt xuất huyết cũng không tăng so với trước”. Trong khi đó, nhờ chủ động chuyển Chloramin B xuống các xã từ trước, công tác vệ sinh môi trường sau lũ ở huyện Hoài Nhơn được triển khai khá hiệu quả.
LÊ CƯỜNG
* Do mưa lũ, nhiều công trình giao thông bị hư hỏng nặng, nghiêm trọng nhất là các tuyến ÐT629 (Bồng Sơn - An Lão), ÐT 639 (Nhơn Hội - Tam Quan), ÐT 640 (Ông Ðô - Cát Tiến)… Tại các tuyến đường này, nhiều đoạn bị hư hỏng cả móng - mặt đường, mái taluy bị sạt lở, đất đá bồi lấp mặt đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Ðối với 3 tuyến QL19, QL19B, QL19C do Bộ GTVT ủy thác cho tỉnh quản lý, tổng giá trị thiệt hại đối với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ước tính trên 65 tỉ đồng. Ông Ðỗ Nguyên Ðức, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Ngay sau khi nước lũ rút, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban Bảo trì đường bộ, các công ty quản lý, khai thác tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Sở GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ gần 8 tỉ đồng để khẩn trương khắc phục, đảm bảo giao thông bước 1 đối với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, tập trung kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý, khai thác đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, khôi phục các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019, phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân được thuận lợi.
Khắc phục tạm các “ổ gà” trên tuyến tỉnh lộ 640. Ảnh: NGUYỄN HÂN
N. HÂN
PHẠM TIẾN SỸ