Sửa đổi Bộ Luật Lao động: Đề xuất linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu
Nhiều chuyên gia cho rằng việc nghỉ hưu nên phân chia theo ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn.
Ảnh minh họa: HẢI NGUYỄN
Chia sẻ tại tọa đàm “8 tiếng công bằng” ngày 20.12, Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình- Đại học Luật Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ Luật Lao động cho biết: trong quá trình thu thập ý kiến sửa đổi Bộ Luật Lao động, có 5 vấn đề nổi bật có nhiều ý kiến trái chiều giữa các bên: Tuyển dụng; trả công; bảo hiểm xã hội (BHXH); thời gian làm thêm; cơ hội phát triển.
Góp ý về phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động, dưới góc độ doanh nghiệp sử dụng lao động, bà Đỗ Thị Thúy Hương- thành viên Hội đồng quản trị Công ty Viettronics cho rằng, đối với lao động chân tay vất vả, cả nam và nữ đều thích nghỉ hưu sớm. Vì thế, độ tuổi nghỉ hưu không nên áp đặt một độ tuổi “cứng” đối với nam và nữ.
Theo bà Thúy Hương, nên đề xuất tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu từ độ tuổi từ 55 - 60 và từ 55 - 62. Nếu lao động nặng nhọc thì người lao động có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm.
Về vấn đề này, bà Thúy Hương dẫn chứng ở Nhật Bản có quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi. Tuy nhiên, sau 2 năm người lao động mới được lĩnh lương hưu; tức là người lao động có thể nghỉ hưu trước để đảm bảo sức khỏe, còn phúc lợi xã hội thì nhận sau đó.
Bà Phạm Thu Lan-Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng: Việc nghỉ hưu nên phân chia ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn. Về phía Tổng liên đoàn cũng cho rằng tuổi nghỉ hưu tiến tới bình đẳng giới giữa nam và nữ.
Đứng ở khía cạnh luật pháp, tiến sĩ Đỗ Ngân Bình cho rằng, nếu đưa linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp sẽ bị treo “lơ lửng” trong khoảng thời gian đó và không biết người lao động sẽ nghỉ khi nào?
Do đó, ban soạn thảo Bộ Luật Lao động đang đưa ra phương án phải xác định cụ thể con số tuổi nghỉ hưu. Với lao động nữ tuổi nghỉ hưu tăng từ 55 lên 60 tuổi và nam tăng từ 60 lên 62 tuổi. Đây là phương án dựa trên thực tế Luật Lao động hiện hành quy định đến tuổi nghỉ hưu (nữ là 55 và nam là 60), doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển sang dạng hợp đồng khác.
Bàn về vấn đề này, bà Phạm Thu Lan-Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), việc nghỉ hưu theo khung độ tuổi như vậy sẽ phát huy sự thỏa thuận, đàm phán của người lao động. Do đó, đây là một ý tưởng hay mà các bên nên góp ý với Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động.
Theo dự thảo Bộ Luật Lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi và thực hiện từ năm 2021. Về lộ trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5.2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10.2019).
Theo LÊ HOA (LĐO)