Các cảng cá đã an toàn hơn
Thời gian qua, sau một số sự cố cháy nổ, ô nhiễm tại các cảng cá, ngành chức năng và chính quyền một số địa phương đã tăng cường rà soát, phổ biến quy định và chấn chỉnh. Kết quả, sự hợp tác của ngư dân trong công tác đảm bảo an toàn cho tàu cá khi neo đậu tại các cảng cá đã được cải thiện.
Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn và ngành chức năng của tỉnh nhắc nhở ngư dân giữ gìn ANTT tại Cảng cá Quy Nhơn.
Thường xuyên nhắc nhở
Khu vực cầu cảng trong Cảng cá Quy Nhơn đang có nhiều tàu cá neo đậu để bán sản phẩm và lấy “tổn” mở chuyến biển mới. Ngoài cầu cảng, hàng chục tàu cũng đang dàn hàng ngang neo đậu. Ngừng việc chỉ dẫn thuyền viên tháo dỡ đá dưới hầm tàu để lấy sản phẩm bán, thuyền trưởng tàu BĐ 95144-TS Nguyễn Hữu Đạo (ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), cho biết: Tàu cá của tôi được bố trí ở vị trí thuận lợi để bán sản phẩm. Sau khi cân cá xong chúng tôi đưa tàu ra ngoài cầu cảng để neo đậu và tắt hết hệ thống điện, đóng bình gas và thuê 1 người ở lại trông coi tàu cùng các vật dụng trên tàu. Khoảng 10 ngày sau, các thuyền viên tập trung tại Cảng để mở chuyến biển mới. Nhìn chung, ở Cảng cá Quy Nhơn mọi thứ khá an toàn, không xảy ra chuyện tranh giành chỗ neo đậu hoặc bị mất cắp như ở một số cảng cá ở nơi khác.
Cách tàu ông Đạo không xa, tàu cá BĐ 91015-TS của ông Trương Văn Thành (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đang chuẩn bị ra khơi. “Tàu cá vào cảng được bố trí điểm neo đậu an toàn; tàu cá và các thiết bị trên tàu có giá trị lớn, có lực lượng an ninh của cảng cá thường xuyên tuần tra kiểm soát, nên chúng tôi cũng đỡ lo. Dù vậy chúng tôi cũng phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ”, ông Thành chia sẻ.
Được biết, để đảm bảo an toàn cho tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn và cảng cá Đề Gi, Ban quản lý (BQL) đã ký kết phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, CA phường Hải Cảng và Đồn Biên phòng Đề Gi thường xuyên kiểm tra, giám sát tàu cá ra vào và neo đậu trong cảng cá. Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL Cảng cá Bình Định, cho biết: Dù đã phổ biến quy trình an toàn neo đậu đúng vị trí, đảm bảo khoảng cách, tắt hệ thống điện và thu dọn, bảo quản chu đáo các vật dụng dễ gây cháy trước khi về, nhưng chúng tôi vẫn luôn thông báo, nhắc nhở ngư dân để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Mỗi tàu cá phải có người trông giữ để quản lý, bảo vệ. Nhờ vậy, tình hình ANTT được bảo đảm.
Cán bộ Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Quy Nhơn kiểm tra, nhắc nhở các thuyền viên trên tàu BĐ 91015-TS đảm bảo an toàn cho tàu cá.
Tăng cường giám sát
Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ tàu thuyền ở Cảng cá Tam Quan thuộc địa bàn xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn khó khăn hơn, bởi nhiều diện tích mặt nước ở đây bị bồi lấp, trong khi số lượng tàu thuyền neo đậu lớn. Ngư dân Nguyễn Văn Việt (ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương), chủ tàu cá BĐ 85686-TS, cho hay: Chúng tôi thường canh lúc nước lên để cho tàu ra vào hoặc neo đậu tại cảng. Trên tàu, ngư dân cũng đã trang bị dụng cụ PCCC; khi rời tàu thì tắt hệ thống điện. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với BQL cảng cá và các ngư dân trong tổ đội để bảo vệ tài sản trong suốt thời gian tàu neo tại cảng”.
Do bị phù sa, bùn cát bồi lấp nên diện tích neo đậu tàu thuyền tại Cảng cá Tam Quan giờ chỉ còn khoảng 20/70 ha mặt nước. Vào đợt cao điểm từ ngày 8 - 20 âm lịch hằng tháng, lượng tàu cá về đây neo đậu rất lớn, nên gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo ANTT khu vực cảng, BQL Cảng cá Tam Quan phối hợp Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, CA xã Tam Quan Bắc duy trì đội PCCC, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tuần tra kiểm soát nhắc nhở các chủ phương tiện tàu thuyền trang bị thiết bị PCCC, tổ chức tập huấn cho ngư dân các phương án PCCC.
Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc BQL Cảng cá Tam Quan, cho biết: Để bảo vệ tàu thuyền cho ngư dân, huyện Hoài Nhơn đang triển khai nạo vét luồng lạch ra vào và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nạo vét bùn cát trong khu vực cảng cá. BQL cũng đã phân khu vực tàu cá neo đậu, thường xuyên thông báo, nhắc nhở ngư dân chủ động đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trước và sau khi bán sản phẩm. Tất cả nhằm đảm bảo an toàn cho con người và tài sản của ngư dân.
PHẠM TIẾN SỸ