Quản lý vỉa hè ở TP Quy Nhơn: Ðề xuất cho thuê một phần để kinh doanh
Thay vì dành toàn phần cho người đi bộ, TP Quy Nhơn nên tổ chức sắp xếp, sử dụng một phần vỉa hè cho các hoạt động khác gắn với trách nhiệm của người được sử dụng vỉa hè. Ðó là đề xuất được đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP Quy Nhơn” do Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Bình Ðịnh tổ chức vào ngày 19.12.
Đường Lê Thánh Tôn có vỉa hè rộng, thông thoáng nên được đề xuất thí điểm mở phố hàng rong.
Dành một phần vỉa hè cho buôn bán
TS Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Bình Định, cho rằng việc lập quy hoạch và quản lý sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP Quy Nhơn là một việc dài hơi và cần được áp dụng thí điểm tại một số khu vực có đông du khách, người đi bộ, phục vụ cho định hướng phát triển du lịch của thành phố. Chính vì vậy, cần có những điều chỉnh hợp lý công tác quản lý sử dụng vỉa hè, nên thực hiện thí điểm và quyết liệt tại một số tuyến đường nội thành.
Theo đó, nên thí điểm cho sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán hàng rong, để xe tại 29 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên, như các đường: Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Ngô Mây, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nguyễn Tất Thành nối dài, Lý Thái Tổ, Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Lê Đức Thọ…; tuyến đường Lê Duẩn cho đậu xe dưới lòng đường, kinh doanh buôn bán trên vỉa hè. Tuy nhiên việc sử dụng vỉa hè không được ảnh hưởng đến trật tự, ATGT, phải bố trí lối đi thuận tiện và an toàn cho người đi bộ; không làm xấu đi tình trạng ban đầu của kết cấu vỉa hè; thực hiện đúng các nội dung ghi trong giấy phép, nộp các khoản phí và lệ phí có liên quan đến việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè đối với trường hợp theo quy định phải nộp phí và lệ phí.
Cũng qua khảo sát thực tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Bình Định đề xuất thí điểm mở 4 tuyến phố hàng rong. Cụ thể, hình thành phố hàng rong Ngô Văn Sở - Trần Độc trên cơ sở tận dụng phố ăn uống hiện nay tại khu vực này, quy định cấm xe vào ban đêm theo khung giờ và quy hoạch bãi đậu xe ở gần để tận dụng lòng đường làm nơi buôn bán ban đêm phục vụ khách du lịch. Mở phố hàng rong Phan Bội Châu (đoạn từ đường 31.3 đến Trần Bình Trọng), trên cơ sở hợp thức hóa và đưa vào khuôn khổ quản lý phố ăn uống vào ban đêm vốn đã hình thành tại đoạn đường này, đang thu hút rất nhiều du khách. Mở phố hàng rong trên đường An Dương Vương (trước Trường ĐH Quy Nhơn), đây là khu vực tập trung đông sinh viên và du khách cả ban ngày lẫn ban đêm, vỉa hè rộng. Hình thành phố hàng rong trên đường Lê Thánh Tôn vì khu vực này tập trung nhiều khách sạn, trường học và nhà hàng, đường có vỉa hè rộng.
Đối với các gian hàng được phép bán trên phố hàng rong, cần được đăng ký cấp phép và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; đồng thời có những biện pháp xử phạt đối với những gian hàng vi phạm các quy định.
Làm thí điểm trước khi nhân rộng
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, việc cho phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè như trên là phù hợp thực tiễn. “Đặc biệt, nhu cầu lớn nhất hiện nay là để xe gắn máy hoặc kinh doanh trên vỉa hè. Đây là thực tế cuộc sống nên biện pháp cấm đoán, xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường lâu nay không hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Thành, Đội trưởng Đội trật tự đô thị TP Quy Nhơn, chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh nhìn nhận, việc cho phép sử dụng một phần vỉa hè và có thu phí là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi thành phố có thêm nguồn thu, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng vỉa hè của người dân để kinh doanh, buôn bán, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Tuy vậy, việc cho thuê vỉa hè cần được tính toán, thực hiện bài bản, cụ thể. Làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, nếu không rất dễ phát sinh hệ lụy. “TP Quy Nhơn đang xây dựng văn minh đô thị, do vậy khi cho sử dụng một phần vỉa hè phải đảm bảo vỉa hè không nhếch nhác, mất trật tự mà ngày càng quy củ hơn, văn minh hơn. Việc đề xuất thí điểm cho sử dụng một phần vỉa hè cần phải cụ thể, chi tiết hơn, chỗ nào sử dụng được, chỗ nào không. Bước đầu có thể thực hiện thí điểm một vài tuyến phố, nếu thấy hiệu quả thì mới nhân rộng”, ông Tâm đề nghị.
PHẠM PHƯƠNG
Từ góc độ người dân thành phố Quy Nhơn, tôi có ý kiến đề xuất như sau: Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Bình Định và UBND TP.Quy Nhơn nên làm một chuyến ra học tập kinh nghiệm của TP.Đà Nẵng về việc quản lý và sử dụng vỉa hè một cách hiệu quả nhất, vừa có lợi cho người dân và có lợi cho chính quyền địa phương. Theo tôi biết, TP.Đà Nẵng đã quản lý và cho thuê vỉa hè lâu rồi, khoảng 2004 tôi ra đó đã thấy họ làm rất hay. Đối với những vỉa hè rộng, hoặc kể cả những vỉa hè tuy nhỏ hơn nhưng ở các tuyến đường trung tâm, đông người, mua bán nhộn nhịp...chính quyền cho kẻ một đường vạch sơn đỏ, chia vỉa hè làm 2. Từ vạch sơn đỏ trở ra phía lề đường là dành cho người đi bộ ( phần này cần tính toán phù hợp, tùy theo vỉa hè rộng hẹp khác nhau). Ở phần này, tuyệt đối cấm lấn chiếm, sử dụng trái phép, ai sai thì bị xử phạt hành chính ngay, có một đội tuần tra thường xuyên và liên tục hàng ngày, hàng giờ. Kinh phí để nuôi các độ này lấy từ nguồn cho thuê vỉa hè bên trong. Đối với phần vỉa hè còn lại, từ vạch đỏ vào đến mép nhà dân thì chính quyền cho thuê. Những đoạn vỉa hè nào mà không có nhà dân thì chính quyền cho thuê theo quyền hạn của mình. Còn vỉa hè nào có nhà dân thì cho chính chủ hộ đó thuê nếu họ có nhu cầu buôn bán. Hộ nào không muốn buôn bán thì thôi, chứ không phải là lấy phần vỉa hè trước nhà này để cho người khác thuê được. Mức cho thuê như thế nào thì tính toán phù hợp với tình hình mua bán của thị trường nơi đó, chứ không nên tính xa cạ được, vì có những vỉa hè to rộng nhưng ít người đi lại, mua bán không được thì chẳng ai thuê. Và một khi đã cho thuê vỉa hè rồi thì anh mua bán làm sao thì làm, không được lấn ra phần vạch đỏ bên ngoài. Xe cộ của khách hàng cũng để trong phần vỉa hè cho thuê đó, cấm để trên phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Do đó, phần chiều rộng vỉa hè dành cho đi bộ cũng được tính toán sao cho phù hợp, vừa phải thôi, chứ để cho nhiều mà người đi bộ ít đi trên đó thì cũng phí. Trong khi đó, phần vỉa hè cho thuê bên trong thì hẹp quá. Sau khi phân chia, tính toán rạch ròi thì tiến hành cho thuê và quản lý cho nghiêm. Kinh phí cho thuê được trích ra để nuôi các đội tuần tra, xử phạt. Hồi năm 2004 tôi suýt bị tạm giữ xe máy vì đậu trên vỉa hè phần đi bộ, vào bên trong mua sách. May là tôi là du khách, chưa biết quy định đó, nên được nhắc nhở và tha. Đội an ninh trật tự này "hình như" còn được khoán hay sao đó, mà họ làm rất nhiệt tình. Tức là phát hiện vụ việc vi phạm nào, họ được hưởng phần phí xử phạt. Phải gắn nhiệm vụ với lợi ích của họ thì họ làm tốt, chứ trả lương không thôi thì e rằng không bền. Họ được trang bị áo quần chuyên biệt, đeo băng rôn đỏ trên tay, có còi và gậy đàng hoàng. Và hình như có cả xấp phiếu xử phạt nóng, kiểu như vé giữ xe đạp, xe máy. Cứ thấy hộ nào buôn bán mà để xe của khách hàng lấn ra phần vỉa hè đi bô là họ ập vào, tính theo đầu chiếc, xử phạt chủ quán chứ không xửa phạt chủ xe. Do đó, chủ quán muốn giữ khách hàng thì phải lo sắp xếp xe của khách cho gọn gàng. Mức phạt không cần nhiều. Tôi ví dụ: xe đạp-phạt 5 nghìn đồng; xe máy phạt 10 nghìn đồng; xé biên lai phạt, thu tiền ngay của chủ quán và yêu cầu dắt xe xích vô bên trong. Chủ quán nào mà bị phạt 5-10 lần gì đó thì tăng phí cho thuê hoặc có biện pháp tài chính gì đó mạnh hơn....Đại khái theo tôi biết là Đà Nẵng làm như vậy. Rất được lòng dân. Mình nên làm như vậy, vừa có lợi cho dân, vừa có lợi cho nhà nước. Chứ kiểu làm của các đội trật tự đô thị của các phường lâu nay rất kém hiệu quả, kiểu như bắt cóc bỏ dỉa, mà dân rất oán ghét. Dân mình nhìn chung còn nghèo, tạo điều kiện cho họ buôn bán sẽ có thu nhập cho con ăn học, làm các nghĩa vụ đối với nhà nước, giảm bớt tình trạng thất nghiệp, tội phạm. Dân giàu thì nước mạnh mà! Về mặt nhà nước thì cũng đảm bảo chức năng vỉa hè cho người đi bộ, vừa có thêm chút kinh phí để làm các việc khác phục vụ công ích. Tôi cũng nhớ thêm rằng, từng có một bài báo nào đó, hình như trên báo Thanh Niên hay Tuổi Trẻ gì đó đã viết về cách quản lý và cho thuê vỉa hè của chính quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn cách đây cả trăm năm. Cách làm đó được đánh giá rất hay, rất khoa học, quý vị nên tìm đọc lại để tham khảo. Xin góp ý kiến như vậy. Qúy vị độc giả nào có cách nào hay thì xin hiến kế để chính quyền thành phố Quy Nhơn làm tốt việc này.