Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Quy Nhơn khóa XI: Vẫn “nóng” chuyện quản lý đất đai
Liên tiếp trong các kỳ họp gần đây của HÐND TP Quy Nhơn, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu và cử tri.
Ngày 9.3.2018, Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn thành phố”. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND thực hiện Chỉ thị này, cùng Quy chế phối hợp giữa Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố, UBND các phường, xã và các đơn vị có liên quan trong quá trình kiểm tra, xác minh một số nội dung có liên quan để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đất đai, xây dựng… Chủ trương, kế hoạch đều có đủ, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.
Đại biểu HĐND TP Quy Nhơn biểu quyết thông qua 11 nghị quyết tại kỳ họp.
Phạt nhiều, nộp ít
Trong năm 2018, các ngành chức năng của TP Quy Nhơn đã kiểm tra 1.683 trường hợp trên lĩnh vực đất đai, xây dựng; phát hiện và xử lý vi phạm 866 trường hợp. Trong đó, đề xuất UBND tỉnh xử lý 17 trường hợp, UBND thành phố xử lý 331 trường hợp; UBND phường, xã xử lý 511 trường hợp...
Ngày 21.12, HÐND TP Quy Nhơn khóa XI đã bế mạc kỳ họp thứ 7 sau 3 ngày làm việc. Tại phiên bế mạc, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 11 nghị quyết. Trong đó, có một số nghị quyết quan trọng như: Về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019; về dự toán thu - chi ngân sách thành phố năm 2019; về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019; về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán thu chi ngân sách, chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018; về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020…
Ở cấp thành phố, trong 331 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính, có 120 trường hợp xây dựng, sửa chữa không có giấy phép; 107 trường hợp xây dựng, sửa chữa sai nội dung giấy phép; 60 trường hợp xây dựng, sửa chữa trên đất chưa chuyển đổi mục đích; 24 trường hợp xây dựng trên đất lấn chiếm… Đáng chú ý, số tiền nộp phạt lại rất thấp. Trong năm 2018 có 155/328 trường hợp chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,7/6,9 tỉ đồng, chỉ đạt chưa đến 39%.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng thành phố đã tổ chức cưỡng chế vi phạm hành chính đối với 115 trường hợp liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng. “Tình trạng xây dựng không phép rất trầm trọng, số chưa phát hiện còn nhiều. Không những tăng về số lượng mà tăng cả về quy mô, xây toàn nhà đổ mê kiên cố”, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam nói.
Phải phân định trách nhiệm cụ thể
Giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị TP Quy Nhơn Nguyễn Văn Thành phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai còn thấp. Quy chế phối hợp đã có, nhưng các phường, xã còn lơ là trong đôn đốc, nhắc nhở. Về khách quan, đáng nói là sự chống đối quyết liệt của đối tượng khi cưỡng chế. Cụ thể hơn, Trưởng CA TP Quy Nhơn, thượng tá Huỳnh Dư Phi Long cho biết, trong 2 vụ cưỡng chế ở xã Nhơn Hải và phường Trần Quang Diệu mới đây, đều có chiến sĩ CA bị thương.
Còn Trưởng Phòng TN&MT Nguyễn Đức Toàn nêu cụ thể tình hình lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích ở một số địa bàn trọng điểm, cùng tiến độ xử lý và một số giải pháp trong thời gian đến. Song, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đặng Mạnh Cường cho rằng, vấn đề quan trọng là cần làm rõ trách nhiệm của Phòng trong tham mưu giải quyết tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Ngô Hoàng Nam, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý không kịp thời, thiếu kiên quyết, không dứt điểm nên hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng này thật sự đáng lo ngại trên địa bàn một số phường, xã: Nhơn Bình, Nhơn Phú, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nhơn Hải, Nhơn Hội.
Ông Nam chỉ rõ, việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND còn nhiều hạn chế. Trong đó có nguyên nhân vai trò, trách nhiệm của Phòng TN&MT, Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố, các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND một số phường, xã chưa được phát huy đúng mức.
“Quy chế phối hợp đã ban hành, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Thế nhưng nhiều phường, xã làm hồ sơ xong cứ đẩy lên trên, không xử lý ngay từ đầu. Lúc mới xây (trái phép) sao không ngăn chặn, để đến lúc người ta xây xong dọn vào ở mới cưỡng chế, xót của dẫn đến khiếu nại, chống đối!”, ông Nam nói.
NGUYỄN VĂN TRANG