Tội phạm xâm phạm sức khỏe người khác: Cần chủ động phòng ngừa
Thời gian qua, tính chất, mức độ của loại tội phạm làm tổn hại đến sức khỏe người khác (cố ý gây thương tích, giết người) trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Ðáng chú ý, tội phạm này ngày một trẻ hóa và manh động.
Phiên tòa xét xử bị cáo Võ Thanh Nhất phạm tội giết người và Trần Văn Thịnh phạm tội cố ý gây thương tích.
Diễn biến phức tạp
Theo thống kê, năm 2018, ngành chức năng đã khởi tố 299 vụ/637 bị can liên quan đến tội gây rối trật tự, an toàn xã hội (tăng 56 vụ/166 bị can so với cùng kỳ); trong đó, án giết người là 20 vụ/45 bị can (tăng 11 vụ/23 bị can), cố ý gây thương tích là 96 vụ/198 bị can (tăng 7 vụ/22 bị can).
Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thanh Trà phân tích: “Đặc điểm chung của loại án này là diễn ra nhanh, bất ngờ, hậu quả khó lường. Và đáng lưu ý, trong mỗi vụ việc, các hung thủ không thực hiện hành vi một mình mà kích động nhiều đối tượng tham gia, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn và giải quyết tới cùng”.
Đơn cử như vụ án Võ Thanh Nhất (SN 1997) phạm tội giết người, Trần Văn Thịnh (SN 1996, cùng ở huyện Phù Cát) phạm tội cố ý gây thương tích, mà TAND tỉnh vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vào trung tuần tháng 12 vừa qua. Vụ án khiến những người tham dự phiên tòa rùng mình vì tính chất ngông cuồng, thích dùng bạo lực để thể hiện mình của nhóm đối tượng ở tuổi mới trưởng thành.
Dự tòa với tư cách vừa là bị hại vừa là bị cáo giết chết người, Võ Thanh Nhất cho rằng, bản thân bị cáo không hề muốn gây sự đánh nhau, chỉ vì bị đánh đau nên mới đánh lại và rất ân hận khi gây ra hậu quả lớn. Riêng bị cáo Trần Văn Thịnh cho rằng, khi nghe Hào (một đối tượng trong vụ án - PV) nói đi đánh thì đi, chứ không biết lý do vì sao. Và chính sự ngông cuồng của những đối tượng này đã dẫn đến hậu quả người chết, người bị tổn hại sức khỏe ở mức từ 2% đến 15% và người phải lãnh án (Thịnh 4 năm tù giam và Nhất 8 năm tù giam).
Trước đó, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử vụ án giết người cũng do một nhóm thanh thiếu niên (từ 17 đến 22 tuổi) thực hiện. Điều đáng nói ở vụ án này là nạn nhân cũng vốn không hề quen biết, mâu thuẫn gì với các bị cáo, nhưng do bản chất côn đồ, hung hãn, các bị cáo đã bất chấp.
Cần chủ động phòng ngừa
Theo phân tích của một trinh sát cơ quan cảnh sát điều tra, CA tỉnh, thì: “Tính bạo lực trong xử sự hằng ngày của thanh thiếu niên ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Từ khi dự định gây án tới khi hành động rất nhanh, manh động, xem thường tính mạng con người; trước khi gây án, các đối tượng thường bị kích động bởi men rượu”.
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII vừa qua, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại trước tình hình vi phạm các quy định về trật tự, an toàn xã hội. Ông Phạm Trương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn, nói: “Tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên dùng hung khí đánh nhau xuất hiện ngày càng nhiều. Huyện cũng vừa xét xử điểm loại án này trong 2 ngày với 32 đối tượng”.
Thừa nhận tình hình ANTT có lúc có nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, song đại tá Đặng Hồng Thọ, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho rằng: Tuy số vụ việc gia tăng nhưng tình hình ANTT ở tỉnh vẫn trong vòng kiểm soát. Song không phải vì thế mà lơ là, chủ quan. Với chức năng của mình, lực lượng CA vẫn luôn chủ động tuần tra, kiểm soát, quản lý đối tượng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, tụ điểm phức tạp về ANTT…
Để hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm về trật tự xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường cần quán triệt sâu sắc hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tích cực tuyên truyền và có biện pháp quản lý, giáo dục, giám sát các nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật; sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, để kịp thời phát hiện những bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ, không để kéo dài, phát sinh hành vi phạm tội.
Và trên hết, mỗi công dân cần tự ý thức hành xử theo pháp luật.
KIỀU ANH