“Lạm dụng” là gì?
Đây là từ khá quen thuộc trong tiếng Việt. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp, nhất là trong báo chí, nó bị dùng sai một cách… hồn nhiên.
Lạm dụng là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, chữ lạm thuộc bộ thủy (liên quan tới nước), nghĩa gốc là “nước tràn ngập”, sau phái sinh nghĩa “quá mức” (như trong lạm thu, lạm quyền, lạm phát); chữ dụng (chữ cũng là bộ) có nghĩa là “dùng”. Lạm dụng có thể hiểu là “dùng quá mức”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa lạm dụng là “dùng, sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.538).
Nghĩa của từ lạm dụng đã rõ vậy nhưng không ít người, kể cả một số nhà báo lại dùng sai từ này khi viết ra những tổ hợp như “lạm dụng tình dục”, “lạm dụng ma túy”. Chẳng hạn, mới đây, xung quanh sự kiện ông Đinh Bằng My bị khởi tố, bắt giam với tội danh “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Hàng loạt các tờ báo đã đưa tin với nội dung “Hiệu trưởng lạm dụng tình dục”.
Các nhà báo viết như vậy, không rõ là chỉ vì hiểu sai nghĩa của từ hay còn vì lý do nào khác. Nói viết như thế là sai bởi các lý do sau: 1. Trong Bộ luật Hình sự, không có tội danh nào là “lạm dụng tình dục” hay “lạm dụng tình dục trẻ em”; 2. Tổ hợp “lạm dụng tình dục” trong trường hợp này bị dùng sai hoàn toàn.
Hiểu một cách nôm na, “lạm dụng tình dục” là “có hoạt động tình dục vượt quá mức quy định”. Với nghĩa này, ông My bị bắt và khởi tố là do “có hoạt động tình dục [với học sinh] quá mức quy định”. Giả sử, nếu ông “có hoạt động tình dục” với học sinh trong hoặc dưới mức quy định thì ông ta không có tội gì cả!?
Xin khẳng định một lần nữa, việc dùng tổ hợp “lạm dụng tình dục” là sai. Nội hàm “dùng quá mức” của “lạm dụng” không có ý xấu, bất hợp pháp. Nó có thể không tốt, không nên nhưng không chắc đã là sai trái, ví dụ: có thể nói - viết “lạm dụng dầu mỡ” trong nấu ăn. Việc lạm dụng như thế có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhưng rõ ràng không có quy chuẩn nào cấm sử dụng nhiều dầu mỡ trong nấu ăn.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ