Tạo cơ hội “làm chủ” cho phụ nữ nông thôn
Năm 2018, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đã triển khai Dự án “Tăng cường cơ hội cho DN nữ/nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế nông nghiệp (FLOW/EOWE)” tại 10 xã thuộc 3 huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước. Qua hoạt động, phụ nữ các địa phương đã có cơ hội nâng cao quyền năng kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó thu hẹp khoảng cách về bình đẳng giới.
Ngày hội khởi nghiệp thuộc chương trình Dự án SNV tổ chức tại TP Quy Nhơn tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ phát huy thế mạnh trong sản xuất kinh doanh.
Trao cơ hội cho chị em
Từ năm 2018, SNV đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ HTXNN Ngọc An (Hoài Nhơn) với gần 1.200 thành viên thực hiện mô hình thâm canh dừa, hỗ trợ phân bón hữu cơ, kỹ thuật chăm sóc dừa lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất. Chị Nguyễn Thị Phú, thôn Ngọc An Trung, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, kể: “Hồi giờ, gia đình tôi cũng như bà con xung quanh trồng dừa cứ để tự nhiên không chăm sóc gì nhiều, lâu lâu chỉ rải chút muối. Đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh về hỗ trợ và hướng dẫn cách bón phân cho cây dừa, bỏ phần kiến dưới cây... Nhờ đó, vụ thu hoạch vừa rồi dừa cho rất nhiều trái”.
Trong khuôn khổ hợp tác, Dự án tiếp tục hỗ trợ cách thức hái dừa an toàn với dụng cụ tiên tiến cho HTXNN Ngọc An để HTX thành lập đội hái dừa miễn phí cho các xã viên. Ông Nguyễn Ngọc, Ban quản trị HTXNN Ngọc An, cho biết: “Hái dừa khá vất vả, chi phí cao nên người trồng dừa lợi nhuận không cao. Với cách thức hái dừa mới, dụng cụ mới, người không biết leo dừa cũng có thể tự tin leo; phụ nữ ở nhà cũng tự hái được”.
Ngoài việc hỗ trợ cho phụ nữ trồng dừa ở Hoài Nhơn, dự án còn hỗ trợ phụ nữ các xã còn lại như: Phước Quang, Phước Hiệp (Tuy Phước); Tây Bình (Tây Sơn), Hoài Xuân (Hoài Nhơn) thâm canh cây lúa cải tiến SRI với tỉ lệ nữ tham gia chiếm trên 86% (khoảng 973 chị).
Ban đầu, mục tiêu dự án đề ra là có khoảng 50% phụ nữ tham gia các mô hình phát triển kinh tế nắm bắt rõ kỹ thuật sản xuất, trồng trọt; tăng quyền năng của họ trong gia đình. Kết quả trên thực tế, có trên 86% phụ nữ tham gia và đặc biệt, phụ nữ các xã được triển khai dự án đã thay đổi nhận thức rõ rệt trong hình thành tư duy sản xuất tập trung, tạo gắn kết giữa HTX với người dân; lao động phụ nữ có điều kiện phát triển sản xuất, làm chủ cuộc sống của bản thân và gia đình.
Thay đổi tư duy, hành động
Dự án triển khai từ tháng 5.2018 đến nay với các hoạt động: thành lập nhóm nòng cốt cho hoạt động đối thoại gia đình; tổ chức các lớp tập huấn về giới, bình đẳng giới, hướng dẫn thúc đẩy đối thoại các hội, đoàn thể, các ban, ngành và các HTX; tổ chức ngày hội truyền thông nam giới chia sẻ việc nhà; tập huấn kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh tại các cơ sở, DN, HTX có lãnh đạo nữ hoặc nhiều lao động nữ… Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Tây Bình (Tây Sơn), cho biết:”Trước đây, chị em khá rụt rè, chỉ lo việc nhà, ruộng đồng, chăn nuôi. Ban đầu, các cuộc họp, tuyên truyền bình đẳng giới của nhóm nòng cốt của xã do chúng tôi chủ trì. Hiện nay, các chị đã tự lựa chọn chủ đề sinh hoạt, chủ trì tổ chức, đối thoại và xử lý toàn bộ công việc”.
Phụ nữ ở các xã được tiếp cận dự án đã thay đổi cách nghĩ, cách làm rõ rệt về quyền và nghĩa vụ của mình trong gia đình, xã hội. Chị Đỗ Thị Ái Nhân, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, cho biết: “Nhóm nòng cốt và nhóm thúc đẩy viên của xã tổ chức được khoảng 10 buổi đối thoại, thu hút từ 10 - 15 cặp gia đình tham gia. Theo ghi nhận của Hội LHPN xã thì cuộc sống gia đình các chị đã có sự thay đổi. Vợ chồng cùng nhau bàn bạc, chia sẻ công việc từ làm ruộng, chăn nuôi, việc nhà. Chị em cởi mở hơn trong chia sẻ niềm vui, nỗi buồn; kinh nghiệm và khó khăn trong công việc để cùng hỗ trợ nhau. Nhờ đó, Hội LHPN xã đã tập hợp được 10 cơ sở sản xuất bánh tráng máy nhỏ, lẻ trong xã để tiến hành các bước thành lập HTX”.
Tuy nhiên, cái khó của các chị em ở nông thôn là tiếp cận vốn để sản xuất, tạo quyền năng kinh tế trong gia đình. Việc chị em ở xã Phước Sơn mong muốn thành lập HTX sản xuất bánh tráng máy là cấp thiết. Song, nguồn vốn hỗ trợ có thể tiếp cận được chỉ từ 30 - 50 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra tình hình triển khai hoạt động dự án tại Bình Định, bà Trần Tú Anh, Giám đốc Chương trình FLOW/WEAVE - SNV Việt Nam, cho biết: “Khó về vốn, quỹ đất là điều mà phụ nữ ở tỉnh Bình Định và các tỉnh khác đang gặp phải. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của dự án và có nhiều chương trình hỗ trợ để phụ nữ thực sự phát huy được thế mạnh trong sản xuất kinh doanh, khích lệ phụ nữ khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của DN khởi nghiệp, HTX, tổ hợp tác... góp phần thực hiện tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ”.
HẢI YẾN