Nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Thế Trường: Chắt lọc từ cuộc sống
Tốt nghiệp ÐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2015 chuyên ngành điêu khắc, Nguyễn Thế Trường bươn chải ở Sài Gòn một thời gian, anh về Bình Ðịnh mở cơ sở điêu khắc, vừa mưu sinh vừa hoạt động nghệ thuật. Sáng tác của anh đa dạng, riêng gần đây, anh gây ấn tượng tốt với những tác phẩm bằng chất liệu kim loại.
Tôi đến xưởng điêu khắc của nghệ sĩ Nguyễn Thế Trường ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn khi anh và các đồng nghiệp đang hoàn kết những bức tượng Phật cho một ngôi chùa. Áo quần bết màu lẫn mạt sắt, mồ hôi túa ra như vừa tắm mưa xong, nhưng nụ cười của anh thì tươi rói.
Nguyễn Thế Trường chia sẻ: Trong nghệ thuật điêu khắc đương đại, chất liệu tạo tác khá phong phú đá, sắt, gỗ... Mỗi chất liệu lại buộc người nghệ sĩ phải hiểu nó, tìm ra cách xử lý, đại khái là làm chủ chất liệu. Cho nên người sáng tạo sẵn sàng làm từ thợ mộc, thợ hồ đến thợ tiện, thợ hàn… Trước đó phải thuần thuộc anatomys (giải phẫu) để biết từng đường cơ, tạo hình xương khớp.
Nguyễn Thế Trường và đồng nghiệp mưu sinh bằng việc trang trí tường, đúc phù điêu, tạo hình các sản phẩm điêu khắc theo đơn hàng, thượng vàng hạ cám có việc là anh và mọi người xắn tay vào làm. “Việc mưu sinh vất vả, cực nhọc thế, có lúc nào anh thấy …nghẹn vì đơn hàng nào không?” - tôi hỏi. Có! Anh đáp nhanh, gọn và chân thành. “Đó là khi tự mình “đặt hàng” chính mình!”.
Tác phẩm Đả thép
Anh tâm sự, mình theo điêu khắc đã nhiều năm, nhưng đến với kim loại khoảng từ năm 2013. Và ngay từ những tác phẩm đầu tiên, nhiều tác phẩm của mình được bạn bè, đồng nghiệp tán thưởng. Tôi ngắm tác phẩm Hợp lực (chất liệu sắt hàn) của anh, với ý tưởng hai người đang cùng khởi động máy điện cơ, chính sự phối hợp nhịp nhàng, tinh thần đoàn kết tạo nên một sự vận hành trơn tru, hiệu quả.
Với Nguyễn Thế Trường, những gì gần gụi xung quanh, nhất là từ cuộc sống lao động của tầng lớp cần lao, cô khổ luôn tạo cho anh nhiều xúc cảm. Anh kể: “Cách đây đã rất lâu, tôi có đến làng rèn Tây Phương Danh ở An Nhơn, nhìn những người nông dân tạo tác nên các sản phẩm từ sắt thép, cái cách họ cần mẫn lao động với búa, đe… với lửa đỏ hừng hực, cách họ phối hợp nhịp nhàng để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Tôi đã sáng tác hai tác phẩm điêu khắc Đả thép với Cuối ngày. Đả thép làm bằng chất liệu thép, Cuối ngày được đúc đồng”. Hết thảy những tác phẩm này đều được chọn tham gia triển lãm Khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên.
Tác phẩm Hợp lực
Trong hai lần triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên gần đây, anh tạo dấu ấn với những tác phẩm bằng sắt hàn của mình với tác phẩm Oai vệ (tạo hình con gà) và Lowchen dog (tạo hình con chó). Trong Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2018, tác phẩm Lowchen dog tạo nhiều ấn tượng. Tác phẩm được làm từ những thanh thép xù xì được anh cắt, ghép, hàn nối để diễn tả sự mềm mại của một chú chó khi chạy.
Nguyễn Thế Trường tâm sự: “Sắt thép vốn cứng, thô, lạnh... để nó nên dáng nên hình, thành một tác phẩm điêu khắc diễn đạt sự mềm mại cần rất nhiều sức. Nhưng chuyển hóa từ ý tưởng đến sáng tạo còn đốt của mình nhiều năng lượng trí tuệ hơn sức lao động thô rất nhiều. Nhưng tất cả đều được đền đáp xứng đáng khi tạo được sự tương tác với người xem”.
Tác phẩm Lowchen dog
Nói đến tương tác anh lại trăn trở. Với các tác phẩm điêu khắc, nhất là tác phẩm theo hướng xếp đặt thì không gian trưng bày, triển lãm rất quan trọng. Tuy nhiên, không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tại Bình Định hiện rất thiếu, khiến việc đưa sản phẩm nghệ thuật đến công chúng gặp không ít trở ngại. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Trường chia sẻ: “Một trong những nguyên do là do sự kết nối, quảng bá từ phía tổ chức triển lãm còn “mỏng”. Tâm lý người dân xem triển lãm họ thường muốn đến những nơi có không gian thoáng rộng, kiểu như quảng trường, công viên… Hạn hữu lắm thì trưng bày trong các quán cà phê có không gian đủ rộng, thân thiện cũng được. Nghệ sĩ Bình Định nói chung tha thiết mong có không gian triển lãm, trưng bày nghệ thuật chuyên nghiệp”.
VÂN PHI