Xử lý việc trồng keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp ở Hoài Ân: Kiên quyết xóa bỏ toàn bộ
Cây keo, bạch đàn làm đất bạc màu, khô cứng, phá hủy kết cấu đất khi trồng trên đất nông nghiệp. Trước hệ lụy đó, huyện Hoài Ân đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm xóa bỏ hoàn toàn việc trồng cây sai mục đích sử dụng đất này.
Người dân xã Ân Tường Đông chặt, thu hoạch keo trên đất nông nghiệp.
Theo ông Trương Công Dũng, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, toàn huyện có 297 ha đất nông nghiệp được bà con sử dụng để trồng cây keo, bạch đàn; tập trung chủ yếu ở xã Ân Tường Đông (gần 66 ha), Ân Hữu (60 ha), Ân Nghĩa (hơn 27 ha)… Theo quy định, trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp là sai mục đích sử dụng đất.
Được biết, 5 năm trước, cây mì, cây mía bị thất sủng do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Ngược lại, cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn có giá nên nhiều gia đình đổ xô trồng keo. Thời gian này, chính quyền một số xã, thị trấn chưa nhận thức hết tác hại của việc trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp nên buông lỏng công tác quản lý. Do vậy, người dân “được đà” đổ xô trồng, dẫn tới diện tích đất sử dụng sai mục đích khá lớn.
Từ năm 2017 đến nay, hệ quả từ việc trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp tác động tiêu cực nguồn nước, dinh dưỡng của đất; đặc biệt có nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương. Do đó, huyện Hoài Ân đã tập trung chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT huyện cùng đơn vị có liên quan đôn đốc UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát diện tích đất nông nghiệp đã bị người dân sử dụng trồng cây keo, bạch đàn để xóa bỏ, nhằm lập lại trật tự theo Luật Đất đai quy định. Sau thời gian triển khai, đến nay, huyện Hoài Ân đã “xóa bỏ” được 204 ha cây keo, bạch đàn trồng trên đất nông nghiệp. Diện tích còn lại đang được các địa phương tiếp tục thực hiện.
Ông Trương Công Dũng nhấn mạnh: “Huyện phấn đấu đến 31.12.2018 sẽ “xóa bỏ” hoàn toàn diện tích cây keo, bạch đàn trồng trên đất nông nghiệp. Những hộ dân nào không thực hiện theo đúng cam kết thì địa phương sẽ thành lập tổ để chặt bỏ”.
Theo UBND xã Ân Tường Đông, toàn xã hiện còn khoảng 20 ha cây keo trồng trên đất nông nghiệp. Hiện nay, địa phương đang yêu cầu bà con thu hoạch, hoặc chặt bỏ. Đối với diện tích đã xử lý xong, xã khuyến cáo bà con phải tuân thủ sử dụng đất theo đúng quy hoạch. Riêng phần đất nông nghiệp nằm trong diện thiếu nước tưới, không có khả năng để sản xuất lúa, hoa màu, xã sẽ rà soát, thống kê và kiến nghị với huyện xem xét, đề nghị UBND tỉnh cho chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên từng diện tích đất. Trong đó, lưu ý các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng cạn phù hợp như mì, đậu phộng,... hoặc chuyển đổi mô hình trồng cỏ để phát triển chăn nuôi đối với diện tích đất nông nghiệp trồng keo, bạch đàn sau khi xóa bỏ. Nghiêm cấm bà con trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp. Trường hợp cố tình vi phạm, huyện sẽ kiên quyết xử lý. Huyện cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất của bà con; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng người dân sử dụng đất sai mục đích”.
TRỌNG LỢI