Chuyện “đi xin” dự án đầu tư hạ tầng
Chủ động tiếp cận các kênh đầu tư, gắn trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện dự án là cách mà nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện, nhằm kêu gọi vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh.
Tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phổ biến là “điện - đường - trường - trạm” chưa bao giờ là việc dễ làm. Tất cả các cán bộ chính quyền, ngành chức năng chúng tôi đã gặp đều xác nhận điều này. Nhưng tại một số địa phương vẫn có nhiều cán bộ với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình cống hiến, phục vụ nhân dân đã làm được điều khó làm ấy.
Cái gật đầu ở “phút 89”!
Tiểu Dự án (DA) sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông liên xã Vĩnh An - Bình Tường - Tây Phú (Tây Sơn) nối với QL 19 thuộc DA xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) - tỉnh Bình Định năm 2018 đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chấp thuận đầu tư với số tiền 70 tỉ đồng; được phân thành 2 tuyến.
Cầu dân sinh Nhơn Sơn bắc qua con sông lớn vừa hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao cho địa phương quản lý. Cây cầu dài 120 m, nối thôn Nhơn Sơn với trung tâm xã Ân Nghĩa (Hoài Ân).
Theo đó, tuyến 1 dài 8 km từ Đài Kính Thiên (xã Bình Tường) tới đoạn đầu cầu nối vào sông Kút (xã Tây Phú), tổng vốn đầu tư 40 tỉ đồng. Tuyến đường hoàn thiện trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối 2 xã này với QL 19. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, khách du lịch tới Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, Đài Kính Thiên đều qua tuyến đường này. Tuyến 2 từ Đài Kính Thiên đi vào khu du lịch Thác Đổ (xã Vĩnh An) dài 6 km, cần làm mới và xây dựng thêm 3 cầu nhỏ; tổng vốn đầu tư 30 tỉ đồng.
Theo ông Đỗ Thành Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư & xây dựng huyện Tây Sơn, tiểu DA này là 1 trong 5 tiểu DA thuộc DA CRIEM của Bình Định năm 2018 được ADB chấp thuận đầu tư; hiện Ban quản lý DA huyện hoàn thiện các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, hồ sơ thiết kế... để trình lên Ủy ban Dân tộc và ADB. Tiểu DA sẽ được thực hiện sau khi có phê duyệt chính thức từ Chính phủ. Cũng theo ông Long, tiểu DA này được ADB chấp thuận đầu tư vào “phút 89” của đợt thuyết trình DA.
“Phút 89”, đúng như miêu tả của ông Đỗ Thành Long, khi “xin” đại diện ADB cho thêm 5 phút cuối giờ để thuyết trình lại toàn bộ tiểu DA này. Trước đó trong quá trình thuyết minh DA, khi đại diện ADB hỏi DA này mang lại lợi ích gì? Ai là người hưởng lợi? DA gắn với các điểm du lịch, liệu có phải mở đường cho các DN đầu tư dịch vụ nhà hàng, khách sạn?, câu trả lời của ông Long không được người phiên dịch chuyển tải chính xác, dẫn đến việc đại diện ADB cho rằng tiểu DA này thực sự không mang lại lợi ích dân sinh.
“Buổi thuyết trình đã chấm dứt, nhưng tôi cố chạy theo người đại diện ADB, xin họ thêm 5 phút, thuyết trình ngay tại hành lang, nhờ luôn phiên dịch viên của họ tóm tắt về DA của mình. Chỉ 5 phút đó thôi, mà họ tin rằng DA đúng là để phục vụ người dân và tôi nhận được cái gật đầu từ đại diện ADB. Cảm giác lúc đó là hồi hộp, căng thẳng và vỡ òa cảm xúc” - ông Long chia sẻ chuyện đã qua mà vẫn đầy hào hứng.
Gắn trách nhiệm của địa phương
Không chỉ khó tiếp cận, nhiều điều kiện chi tiết, với các DA sử dụng nguồn vốn ODA, ngoài việc đáp ứng mục đích phục vụ dân sinh, một yêu cầu then chốt là chính quyền địa phương phải có trách nhiệm với DA.
Cầu Phú Trị (thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa) hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 12.2018 tạo điều kiện cho người dân địa phương trong việc đi lại. Cây cầu được xây dựng từ nguồn vốn của DA LRAMP.
Chia sẻ về điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, ông Nguyễn Văn Liên cho hay, nhà đầu tư chấp thuận đầu tư DA với điều kiện chính quyền địa phương phải chủ động nguồn vốn đối ứng, tham gia giám sát DA, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong quá trình thi công. Với DA làm cầu sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Hoài Ân, phía WB không yêu cầu vốn đối ứng thực hiện DA, mà để dùng vào việc tu sửa, bảo dưỡng sau khi 2 cây cầu dân sinh đưa vào sử dụng. Hai cây cầu dân sinh Phú Trị (thôn Phú Ninh) và cầu Nhơn Sơn (thôn Nhơn Sơn) của xã Ân Nghĩa sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 12.2018 đã tạo điều kiện đi lại rất thuận lợi cho hơn 500 hộ dân. Có lợi cho dân như thế, thì dẫu WB không yêu cầu, mình cũng phải tự thấy mà làm.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hoài Ân, tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 4 DA xây dựng đường giao thông, cầu dân sinh sử dụng vốn của WB thuộc DA Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (DA LRAMP), với tổng vốn đầu tư trên 20 tỉ đồng. UBND huyện chủ động trong việc đối ứng vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả từ những hạng mục này.
THU DỊU - NGUYỄN HÂN