Nâng cao chất lượng đảng viên: 6 giải pháp căn cơ
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Ðảng ta, đã từng chỉ giáo: Nhiều đảng viên tốt làm cho nhiều chi bộ tốt, nhiều chi bộ tốt làm cho đảng bộ tốt, nhiều đảng bộ tốt làm cho toàn đảng mạnh mẽ. Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, theo tôi có 6 giải pháp căn cơ.
Mỗi cán bộ, ĐV phải luôn tự trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tích cực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Trong ảnh: Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW.
Thứ nhất, là tăng cường giáo dục ý thức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ đảng viên (ĐV). Bản lĩnh của cán bộ, ĐV được hình thành, tôi luyện qua quá trình hoạt động thực tiễn và qua giáo dục. Trong quá trình hoạt động, người ĐV, các cấp ủy đảng phải thường xuyên có kế hoạch giáo dục ĐV thì bản lĩnh chính trị sẽ được củng cố và nâng cao; khi đối mặt với khó khăn, thách thức sẽ vững vàng vượt qua. Bên cạnh đó, phát huy tính tự giác rèn luyện của mỗi là phương thức quan trọng và trực tiếp để mỗi ĐV tự hoàn thiện bản thân, giữ gìn phẩm chất chính trị, nâng cao ý thức cách mạng. Do đó, mỗi cán bộ, ĐV phải luôn tự trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng các phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tích cực thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thứ hai, là nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ ĐV. Muốn vậy, phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, ĐV toàn diện về mọi mặt, trong đó chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, ĐV tham gia học tập. Công tác thi đua, khen thưởng, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ cũng phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính. Nâng cao chất lượng ĐV là cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là một biện pháp giáo dục, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm kỷ luật của ĐV. Chính vì thế công tác kiểm tra, giám sát ĐV có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên, công tâm, khách quan gắn với thi hành kỷ luật Đảng.
Thứ tư, là tăng cường lãnh đạo, quản lý ĐV. Đây là công tác quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Đảng. Do đó, quản lý ĐV phải tiến hành thường xuyên, chặt chẽ và toàn diện; phải quản lý về mọi mặt, từ phẩm chất đạo đức, chính trị, tư tưởng, lối sống đến năng lực, sức khỏe của ĐV… Quản lý là cơ sở để giáo dục, rèn luyện ĐV, sàng lọc ĐV, từ đó phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ cho Đảng. Tuy nhiên, việc quản lý phải bám sát các nguyên tắc, quy định về quản lý ĐV của Đảng, đó là kết hợp chặt chẽ giữa việc quản lý của tổ chức đảng với việc tự quản lý của ĐV, giữa quản lý của chi bộ với quản lý của tổ chức đảng cấp trên, giữa quản lý trong nội bộ Đảng với quản lý giám sát của quần chúng.
Thứ năm, là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, sự giám sát của quần chúng nhân dân đối với ĐV là không thể thiếu. Bản chất và bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn của mỗi ĐV đều được thể hiện trong quá trình công tác, trong giải quyết các vấn đề cụ thể và trong sinh hoạt hàng ngày ở cơ quan và nơi cư trú. Do vậy, để làm tốt công tác quản lý ĐV ở cả nơi làm việc và nơi cư trú phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Quy định số 76 của Bộ Chính trị về “ĐV đang công tác ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy ở cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Chi bộ là nơi ĐV công tác nên phải thường xuyên giáo dục, kiểm tra về đạo đức, điều đó được thể hiện trong mối quan hệ giữa ĐV với gia đình, với nhân dân nơi cư trú, với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ sáu, tư duy đánh giá, xếp loại cán bộ, ĐV cần được đổi mới theo hướng vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐV và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng. Trước hết, để phù hợp với tình hình hiện nay, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể, sát hợp để đánh giá, xếp loại ĐV, trong đó coi trọng việc đánh giá bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của ĐV. Bên cạnh đó, khắc phục cách đánh giá ĐV thiên về tích cực, ưu điểm, né tránh các hạn chế, khuyết điểm hoặc đánh giá chung chung mang tính hình thức.
NGUYỄN BÁ TRÀ