Công trình cấp nước sạch Vân Canh “đắp chiếu”: Cần được tháo gỡ
Công trình Bổ sung nguồn nước cấp cho hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) được kỳ vọng giải quyết bài toán thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân địa phương. Thế nhưng, công trình rơi vào cảnh “đắp chiếu” sau thời gian ngắn vận hành, gây lãng phí tiền đầu tư của nhà nước.
Giá nước cao, vị trí nhà máy chưa hợp lý
Công trình Bổ sung nguồn nước cấp cho hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh (gọi tắt công trình cấp nước sạch Vân Canh) do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng tháng 1.2013. Thế nhưng công trình chỉ hoạt động cầm chừng được thời gian ngắn, từ năm 2015 đến nay thì dừng hẳn.
Khuôn viên công trình cấp nước sạch Vân Canh đầy cỏ dại.
Hiện công trình đã bắt đầu xuống cấp. Thiết bị tại hệ thống trạm bơm cấp 1, nhà máy xử lý nước bị hoen rỉ; bể chứa nước sạch, nhà hóa chất, hồ lắng bùn, nhà quản lý cũng bị rêu bám đầy. Cỏ dại mọc um tùm trong khuôn viên công trình.
Công trình cấp nước sạch Vân Canh có tổng mức đầu tư hơn 7,1 tỉ đồng, từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn, vốn Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và vốn ngân sách tỉnh. Với nhà máy xử lý nước công suất 1.400 m3/ngày đêm, công trình có nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 12.000 người dân ở xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh.
Một lãnh đạo thị trấn Vân Canh ngao ngán nói: “Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở địa phương là rất lớn, vậy mà công trình được nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng này lại không hoạt động, lãng phí quá”.
Lý giải nguyên nhân nhà máy cấp nước hoạt động không hiệu quả, ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho rằng: “Mức giá nước sạch sinh hoạt cấp cho hộ dân được Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đề xuất 4.500 đồng/m3 thời điểm 2013 là khá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân ở địa phương”.
Còn ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh, cho rằng: “Vị trí đặt nhà máy nước sạch là chưa hợp lý. Vào mùa nắng, nhà máy không có đủ nước để hoạt động. Thời điểm này, nước lấy được từ sông Hà Thanh cũng rất hạn chế, mà phải qua 2 lần bơm mới đến được nhà máy, gây tốn kém. Riêng thời gian Công ty CP Tổng hợp Vân Canh tiếp nhận vận hành, huyện phải bù lỗ trên 200 triệu đồng/năm. Công ty có thể phá sản nếu duy trì hoạt động nhà máy trong điều kiện như vậy”.
Tháo gỡ khó khăn
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hồ Đắc Chương, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình Sở NN&PTNT, cho biết: Trước khi đưa công trình vào vận hành, Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiến hành xây dựng đơn giá nước sinh hoạt theo các mức: 4.500 đồng/m3 (hộ dân cư), 4.800 đồng/m3 (phục vụ mục đích công cộng), 7.500 đồng/m3 (cơ quan hành chính, sự nghiệp), 8.800 đồng/m3 (hoạt động sản xuất vật chất) và 11.800 đồng/m3 (kinh doanh dịch vụ). Thời điểm đó, các mức giá này là Trung tâm chỉ đề xuất và đơn vị còn gửi văn bản đề nghị huyện Vân Canh cho ý kiến về mức giá, phương án vận hành. Tuy nhiên, địa phương chậm trễ hồi âm. Sau đó, huyện lại cho rằng các mức giá này là không phù hợp, nhất là giá nước sạch sinh hoạt ở hộ dân cư. Huyện cũng cho rằng các hộ được cấp nước chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo, không đủ khả năng chi trả nếu tính theo mức giá này. Hơn nữa, huyện cũng nói trước đây, Công ty TNHH Tổng hợp Vân Canh đã cung cấp nước sinh hoạt tự chảy cho dân chỉ với giá 750 đồng/m3”.
Để giải quyết khúc mắc trong vận hành công trình, tháng 12.2013, UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao công trình cấp nước sạch Vân Canh cho UBND huyện Vân Canh tổ chức, quản lý, vận hành. Sau đó, Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thực hiện bàn giao công trình cho Công ty TNHH Tổng hợp Vân Canh quản lý.
Ông Nguyễn Tiến Văn, Giám đốc Công ty CP Tổng hợp Vân Canh, cho biết: Sau khi nhận bàn giao, đơn vị đã tiến hành vận hành, cung ứng nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong vòng 1 năm. Thời điểm năm 2013, công ty chỉ thu mức giá 750 đồng/m3 (hộ dân cư). Trong khi đó, chi phí điện, hóa chất để phục vụ hoạt động cho nhà máy nước là khá lớn. Tiền bán nước không đủ để bù cho chi phí sản xuất. Do vậy, công ty rơi vào cảnh thua lỗ và phải bù lỗ 25 triệu đồng/tháng.
Về việc này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, tiếp nhận ý kiến phản ánh của cơ quan báo chí, đồng thời, cam kết trong tháng 12.2018 sẽ làm việc với UBND huyện Vân Canh để tìm cách tháo gỡ khó khăn, sớm đưa công trình cấp nước sạch Vân Canh đi vào hoạt động theo đúng mục đích, công năng đã đầu tư.
TRỌNG LỢI