Nhân rộng mô hình Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của xã Vĩnh Sơn và Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh
Sáng 24.12, tại huyện Vĩnh Thạnh, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016- 2020”. Đến dự có đại diện Ban Dân tộc HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh và các huyện Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.
Báo cáo tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án và 13 tham luận trình bày tại hội nghị nêu rõ: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra khá phổ biến ở vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, làm mất đi cơ hội học tập, gia tăng sự nghèo đói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh Bình Định, từ năm 2016 đến 2018, Ban Chỉ đạo tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện Đề án; phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin. Cụ thể như: Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định xây dựng và phát sóng phóng sự chuyên đề tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên sóng đài tỉnh và phục vụ cho các buổi tuyên truyền; xây dựng chuyên mục và các tin, bài trên Báo Bình Định, Cổng thông tin điện tử; tổ chức biên soạn, in ấn một số tài liệu truyền thông; chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, tọa đàm, diễn đàn và các hội thi tìm hiểu về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Qua 3 năm xây dựng và triển khai thực hiện mô hình điểm Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn xã Vĩnh Sơn và Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh đã đạt được mục tiêu cơ bản đã đề ra; tạo nhận thức mới trong đồng bào DTTS và học sinh về ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS. Số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã đã giảm 50% và học sinh bỏ học do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm còn 67% so với năm 2016. Điều đó cho thấy hiệu quả của các hoạt động Mô hình điểm Đề án đã góp phần tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng trong hôn nhân và gia đình, hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; quyền, trách nhiệm và lợi ích trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các bài tham luận của các Sở, ban, ngành và các huyện, xã… các đại biểu đã tập trung làm rõ về kết quả thực hiện 2 mô hình thí điểm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hội nghị cũng chỉ ra những tác hại, hậu quả và nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp thích hợp qua bài học 3 năm thực hiện 2 mô hình, nhân rộng ra các địa phương có đông đồng bào DTTS trên địa bàn và các Trường PTDTNT và bán trú còn lại trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trong thời gian đến.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Bình Định đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”.
XUÂN DŨNG