Xây dựng văn hóa học đường từ nhân cách người thầy
Văn hóa nhà trường có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục. Giáo viên không chỉ là người đứng trên bục giảng truyền thụ tri thức, mà còn là người có ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của các em. Trong đổi mới giáo dục phổ thông, ở mỗi nhà trường, mối quan hệ thầy trò có vai trò quan trọng nhất là trong việc xây dựng văn hoá học đường.
Lấy tâm lực làm nền tảng
Trong nền kinh tế hội nhập, mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho giáo dục nói riêng và bộ mặt văn hóa nói chung có những biến đổi chóng mặt. Văn hóa nhà trường có những biểu hiện xuống cấp. Bệnh thành tích, gian lận trong đánh giá thi cử, mua bán các kết quả học tập và rèn luyện, lạm thu, bạo lực… dẫn đến chất lượng giáo dục bị giảm sút nghiêm trọng, nền nếp kỷ cương bị đảo lộn.
Trong giờ học của cô và trò Trường THPT Đức Hòa (Long An)
Theo TS Đỗ Thị Thanh Hương, Trưởng Bộ môn Lý luận Chính trị, Học viện Quản lý Giáo dục, lâu nay chúng ta coi trọng dạy chữ mà chưa thực sự chú ý đến dạy người, coi trọng số lượng hơn là chất lượng… Điều đó dẫn đến việc xuất hiện ngày càng nhiều biểu hiện lệch chuẩn trong học đường như học sinh đánh nhau, nghiện game, nhục mạ nhau, tung clip xấu trên mạng… Tất cả những điều đó gây ra hệ lụy đáng tiếc cho xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng GD.
TS Đỗ Thị Thanh Hương cho rằng, cần xây dựng mô hình nhân cách văn hóa con người Việt Nam theo hướng phát triển cân đối, hài hòa giữa tâm, trí lực và thể lực. Trong đó lấy tâm lực làm nền tảng cho phát triển nhân cách. Khi thiếu kiến thức, kỹ năng do nhu cầu công việc, người ta có thể học thêm và trau dồi để có được, nhưng khi thiếu đạo đức và lương tâm không trong sáng thì sẽ rất khó để cải thiện được nhân cách. Do vậy cần phải chú trọng đến giáo dục chữ tâm - lấy đó làm cốt cách để làm người.
Người có lương tâm trong sáng sẽ biết cảm nhận và có quan niệm đúng về cái đẹp và người biết rung cảm trước cái đẹp thì rất khó làm điều xấu. Người Việt Nam có lối sống trọng tình nghĩa, tôn sư trọng đạo. Như vậy, phát huy được mô hình nhân cách này cũng là phát huy lợi thế về bản sắc văn hóa người Việt. Mô hình nhân cách ấy phải được giáo dục cho mọi thành viên trong nhà trường mà trước hết là các thầy cô giáo.
Hơn ai hết, người thầy sẽ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách học trò. Tình yêu thương, sự dạy bảo tận tâm của người thầy sẽ là những bài học về đạo đức thiết thực nhất, là cách cảm hóa hữu hiệu nhất học trò của mình.
Giáo dục noi gương
Đề cao vai trò của người thầy trong xây dựng văn hóa học đường, ThS Lê Thu Phương, giảng viên Khoa Cơ bản, Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng: Nhân cách người thầy có ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa học đường. Giáo dục noi gương là cách giáo dục tốt nhất và nhanh nhất. Một người thầy tồi sẽ không thể đào tạo được những học trò xuất sắc và nhân văn. Một người thầy tốt và giỏi chưa cần dạy đã là gương sáng cho học sinh noi theo.
“Trong nhà trường, nhân cách của giáo viên sẽ góp phần hình thành nên văn hóa nhà trường. Những giá trị, chuẩn mực mà người GV tạo nên có sức lan tỏa đối với thế hệ tương lai. Không gian văn hóa nhà trường, đẹp, thân thiện cũng sẽ tạo nên không gian văn hóa học đường như vậy. Đó chính là điều cốt yếu tạo nên thương hiệu nhà trường. Thương hiệu này có được tạo dựng và giữ vững hay không là do văn hóa nhà trường quy định. Nó được xây dựng từ từng cá nhân văn hóa của người giáo viên “
ThS Lê Thu Phương chia sẻ.
Theo ThS Lê Thu Phương, ảnh hưởng văn hóa từ thầy đến trò là con đường cá nhân đến cá nhân. Văn hóa của thầy sẽ truyền sang trò. Sự tiếp xúc văn hóa này có mối quan hệ ngược chiều nhau, thầy ảnh hưởng tới trò và trò cũng tác động trở lại thầy. Người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức cho học trò mà họ mang hơi ấm từ trái tim thắp sáng ước mơ cho trò, giúp nhiều học trò từ lầm lỗi trở về cuộc sống.
Theo TS Đỗ Thị Thanh Hương, để nâng cao văn hóa nhà trường, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm, cầu thị của các trường. Hơn bao giờ hết chúng ta đang rất cần những nhà giáo chân chính, những con người có bản lĩnh và cái tâm trong sáng trong cuộc chiến chống nạn “xâm lăng văn hóa”.
Các nhà trường cần xây dựng quy chế văn hóa dựa trên triết lý riêng của mình để khẳng định được phong cách, xác định hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức của nhà trường. Theo đó thống nhất và hướng dẫn hành vi ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo các giá trị và chuẩn mực đã xác định.
Đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với mô hình văn hóa tổ chức nhà trường; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, GV nhà trường trong việc học tập, nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích phù hợp trong việc thực hiện văn hóa nhà trường; Tiếp tục chỉ đạo phát động thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Nếu chúng ta xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực một cách hiệu quả và thực chất thì mỗi nhà trường sẽ là một nhà trường văn hóa.
Theo Lê Đăng (GD&TĐ)